Ngày 9-12, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị bàn giải pháp thực hiện đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030.
Loay hoay giải bài toán chất lượng, thị trường
Theo ông Trần Đình Luận, Cục trưởng Cục Thuỷ sản Bộ NN&PTNT, đề án trên nhằm đạt vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản với mục tiêu không chỉ dừng ở tăng sản lượng mà còn tập trung vào chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm.
Theo ông Lê Văn Hoan, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa, hiện việc triển khai đề án của Bộ NN&PTNT đang gặp một số khó khăn, hạn chế.
Đó là thị trường đầu ra một số sản phẩm thủy sản chưa ổn định; sản phẩm thủy sản chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô, đông lạnh mà chưa có thực phẩm chế biến sâu; ngành nuôi biển ở Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản thủy sản, nhất là thủy sản nuôi chưa mang tính bền vững.
Tương tự, một số đại biểu cho rằng thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chưa phong phú, thậm chí phụ thuộc vào một, hai thị trường. Điều này khiến giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định.
Câu chuyện tôm hùm bông vừa qua là minh chứng cho việc bấp bênh của thị trường xuất khẩu thủy sản. “Thị trường Trung Quốc chiếm đến 99% tổng lượng tôm hùm xuất khẩu của Việt Nam, gần như tuyệt đối. Do đó, chỉ cần thị trường này "hắt hơi, sổ mũi" thôi cũng đã ảnh hưởng mạnh đến việc nuôi, xuất khẩu của chúng ta”- một đại biểu chia sẻ.
Đại diện Hiệp hội cá tra Việt Nam cho rằng hiện sản phẩm cá tra Việt Nam xuất khẩu đi hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, các thị trường chính vẫn là Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nam Mỹ... Gần đây, cơ cấu thị trường đang thay đổi mạnh, trong đó Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn.
“Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất của xuất khẩu cá tra, gấp đôi thị trường lớn thứ hai là Mỹ. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện cũng nằm ở thị trường Trung Quốc. Bởi đòi hỏi quy định hàng hóa khi nhập khẩu cá tra ngày càng cao trong chuỗi cung ứng từ cá giống cho tới quy trình chế biến đạt quy chuẩn an toàn, chất lượng”- đại diện Hiệp hội cá tra nói.
Để thủy sản xuất khẩu bền vững
Cũng theo đại diện Hiệp hội cá tra Việt Nam, để giúp ngành hàng cá tra vượt qua khó khăn, hai vấn đề quan trọng cần giải quyết là kiểm soát chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất để gia tăng sức cạnh tranh.
“Hiệp hội cá tra Việt Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc kiểm tra để bảo vệ chất lượng sản phẩm, uy tín của ngành cá tra Việt Nam; kiểm soát, chỉ đạo cơ quan chuyên ngành, kiểm tra chất lượng doanh nghiệp nào không đúng, sẽ xử lý"- vị đại diện hiệp hội đề xuất.
Cũng theo đại diện Hiệp hội cá tra Việt Nam, vấn đề quan trọng hiện cần thực hiện để gia tăng sức cạnh tranh cho xuất khẩu cá tra Việt Nam là phải kéo giảm giá thành sản xuất.
Hiệp hội cá tra Việt Nam cũng kiến nghị Bộ NN&PTN có chương trình hỗ trợ khoa học công nghệ về chế biến sâu như dầu cá, collagen, bột cá ... để tạo thương hiệu; xây dựng nhiều kênh thông tin truyền thông để cung cấp thông tin thị trường, quảng bá thương hiệu cá tra thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Trần Văn Hào, trợ lý chủ tịch Hiệp hội cá ngừ Việt Nam, đề xuất đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, cùng với việc xây dựng trang đấu giá trực tuyến qua ứng dụng AppCa, nhằm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả trong việc phân phối nguồn lợi cá ngừ.
Trao đổi với PV, ông Võ Văn Thái, Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản - du lịch Vân Phong ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, bày tỏ mong muốn Nhà nước, Bộ NN&PTNT, chính quyền cần tháo gỡ khó khăn trước mắt về thị trường xuất khẩu tôm hùm bông.
"Về lâu dài cần quy hoạch vùng nuôi, kiểm tra chặt chuỗi cung ứng từ con giống, quá trình nuôi, truy xuất nguồn gốc. Từ đó quảng bá thương hiệu, đa dạng thị trường để tránh phụ thuộc như hiện nay"- ông Thái đề nghị.
Còn ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kêu gọi doanh nghiệp trong ngành tiếp tục củng cố chất lượng thông qua các hoạt động liên quan đến chứng nhận quốc tế. Đồng thời, tập trung vào các vấn đề liên quan đến kinh tế xanh, nhằm xây dựng thương hiệu, khả năng quảng bá sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
“Hiệp hội kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành liên quan xúc tiến thương mại thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Việc này để tìm hướng đi cũng như nắm vững thị trường, hướng đến xuất khẩu thủy sản bền vững"- ông Hòe nêu kiến nghị.
Đại diện Bộ NN&PTNT thống nhất quan điểm cho rằng chìa khóa để đạt mục tiêu đến năm 20230 Việt Nam xuất khẩu đạt 14-16 tỉ USD, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
“Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi từ tập trung vào số lượng sang chất lượng và giá trị. Đây là một thách thức lớn cho cả ngành và đặc biệt là cho các cơ quan quản lý nhà nước. Việc tăng cường chế biến sâu không chỉ giúp tăng giá trị cho các sản phẩm mà còn là cơ hội để Việt Nam chiếm lĩnh thị trường toàn cầu”- ông Trần Đình Luận nói.
Tháng 8-2021, Thủ tướng phê duyệt đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả, bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chỗi giá trị toàn cầu; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số năm nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.