Trưa 7-5, Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Môn văn: Mức độ vận dụng dễ hơn
Cô Nguyễn Ái Linh, giáo viên Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (TP.HCM), cho biết cấu trúc đề thi không có thay đổi nhiều so với đề minh họa lần 1.
Học sinh Trường THPT Phú Nhuận trong ngày đầu tiên trở lại trường sau kỳ nghỉ dài tránh dịch. Ảnh: NQ
Phần đọc hiểu bao gồm bốn câu hỏi nằm ở bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao.
Ngữ liệu đọc hiểu nằm ngoài chương trình sách giáo khoa. Nội dung trích dẫn có sự sáng tạo, lôi cuốn và gắn liền với cuộc sống thông qua cách đối nhân xử thế, giúp giáo dục nhân cách học sinh.
Phần làm văn được chia làm hai phần là nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Nghị luận xã hội vẫn giữ nguyên cách hỏi và hình thức thể hiện như đề thi THPT quốc gia năm 2019. Học sinh vẫn được yêu cầu viết một đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ về một vấn đề được trích ra trong ngữ liệu ở phần đọc hiểu.
Câu nghị luận văn học của đề minh họa lần hai vẫn nằm trong chương trình của lớp 12. Tuy nhiên, mức độ vận dụng của đề được đánh giá dễ hơn so với đề thi chính thức năm 2018, 2019.
Nếu như các năm trước có các vế câu hỏi phụ nhằm phân loại học sinh để xét tuyển đại học, thì năm nay đề thi chỉ gói gọn ở một vấn đề và không mang tính đánh đố. Đề thi không quá dài, đảm bảo thời gian học sinh hoàn thành.
Cô Nguyễn Mai Loan, giáo viên Trường THCS-THPT Hai Bà Trưng (TP.HCM), cho biết cấu trúc đề vẫn gồm hai phần là đọc hiểu (3 điểm), làm văn (7 điểm). Đó là ma trận đề thi thiết kế đúng theo các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao
Phần đọc hiểu có mức độ yêu cầu cho bốn câu hỏi đều ở dạng quen thuộc với học sinh từ nhiều năm nay.
Câu hỏi 1, 2, 3 của đề đều dừng ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Đặc biệt, câu 4 là một câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, đã cập nhật thời sự rất thú vị: Lời khuyên “Hãy từ bỏ thói quen luôn cho rằng mình đúng” trong đoạn trích có ý nghĩa gì với anh/chị?” . Vấn đề mà văn bản được trích nêu ra vừa thời sự, vừa giáo dục đạo đức, lối sống. Thế nên học sinh có thể dựa vào văn bản (ngữ liệu) để viết, đồng thời có thể bày tỏ quan điểm một cách sáng tạo.
Phần làm văn gồm hai câu. Nghị luận xã hội (2 điểm) vẫn đảm bảo tính liên tục với phần đọc hiểu.
Câu nghị luận văn học 5 điểm là dạng bài cảm nhận một đoạn thơ quen thuộc. Đề vừa tương đối "dễ thở" vừa có tính phân hóa.
Đề thi trích dẫn cả đoạn thơ cần cảm nhận. Câu lệnh trong yêu cầu đề bài rất rõ ràng, cụ thể, có tính định hướng nội dung: "Cảm nhận về khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính trong đoạn thơ". Đây chính là cơ hội cho các học sinh trung bình, yếu đủ điểm trung bình. Tuy nhiên, cách ra đoạn thơ cũng có tính phân hóa như khả năng cảm thụ văn học, phân tích thơ sẽ thể hiện ngay trong từng phần trình bày, cảm nhận, khai thác ý và cá tính sáng tạo của học sinh.
Môn Toán: Câu hỏi vận dụng và vận dụng cao ít
Thầy Phạm Duy Luân, giáo viên Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (TP.HCM), cho biết đề thi có 50 câu, trong đó có khoảng 40 câu chiếm 8 điểm là những câu hỏi đơn giản và vận dụng thấp. Học sinh chỉ cần ôn tập kỹ và tính toán cẩn thận là có thể lấy trọn điểm.
Đề cũng có những câu hỏi liên quan đến kiến thức lớp 10 và 11. Những câu hỏi này không quá khó và cũng không quá lạ so với những năm trước cũng như đề minh họa công bố lần 1.
So với đề minh họa lần 1, Bộ GD&ĐT đã đổi tên kỳ thi THPT quốc gia thành kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cho nên cách ra đề như vậy rất dễ để hoàn thành sứ mệnh là xét tốt nghiệp phổ thông. Với những em muốn chinh phục điểm cao và nguyện vọng vào đại học những trường tốp trên thì cần phải rèn luyện thêm kỹ năng tính toán và tư duy vào các chương chủ chốt như hàm số và mũ - lôgarit.
Thầy Nguyễn Sỹ Quý, giáo viên Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (Nghệ An), cho biết kiến thức cơ bản nhẹ nhàng, số câu vận dụng và vận dụng cao ít. Kiến thức chủ yếu của 12, lớp 11 có năm câu. Không có câu hỏi trong phần giảm tải chương trình do nghỉ dịch.
Nếu học sinh nắm kỹ kiến thức thì làm ổn, còn học sinh giỏi có thể xong trước 90 phút. Do năm nay nghỉ nhiều, học sinh không được rèn luyện nhiều nên mức độ phân hóa có thể không được như các năm trước.
Môn tiếng Anh khó đạt điểm 10
Cô Trần Thị Thu Thủy, giáo viên Trường THCS - THPT Hồng Đức (TP.HCM), chia sẻ đề thi nhẹ nhàng hơn năm trước, số câu khó giảm đi, số câu nhận biết tăng lên. Trong đề thi phần tìm từ đồng nghĩa, từ phản nghĩa nhẹ nhàng hơn.
Đề thi tập trung chủ yếu lớp 12, không đánh đố. Đề minh họa lần này do chủ yếu xét tốt nghiệp nên phần vận dụng cao cũng không khó lắm, mà đòi hỏi học sinh có vốn từ vựng khá có thể làm.
Tuy nhiên, với đề thi này đạt điểm 9 đến 9,2 là có thể, còn để đạt được điểm tuyệt đối thì đòi hỏi học sinh phải thật xuất sắc bởi có nhiều câu khó. Đề này xét đại học ổn vì có sự phân hóa.
"Với đề thi này những bạn học ở mức độ trung bình có thể dễ đạt điểm 4, điểm 5. Tôi chỉ mong Bộ GD&ĐT ra đề minh họa như thế nào thì đề thi thật cũng tương tự như thế" - cô Thủy nói thêm.
Tổ hợp KHTN chủ yếu tập trung học kỳ 1
Đối với môn hóa, thầy Đoàn Ngọc Đính, giáo viên Trường THCS-THPT Hồng Đức (TP.HCM), nhận xét đề ra với mục đích xét tốt nghiệp THPT cho nên tương đối nhẹ nhàng, không có kiến thức giảm tải.
Nội dung chủ yếu học kỳ 1, 70% kiến thức cơ bản. Kiến thức lớp 11 chiếm bốn câu, còn phần phân loại học sinh có bốn câu. 30 câu còn lại ít phân loại. Đề này phù hợp với xét tốt nghiệp, còn nếu sử dụng kết quả này để xét tuyển vào trường các tốp trên sẽ rất khó.
Còn đối với môn sinh, cô Lê Thị Trang, giáo viên Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (TP.HCM), cho hay đề minh họa lần này có những điều chỉnh về nội dung kiến thức nhẹ nhàng hơn, bám sát với những nội dung Bộ GD&ĐT đã giảm tải cho chương trình sinh học học kỳ 2 của lớp 12.
Ma trận đề thi tương đối phù hợp khi có sáu câu nằm trong chương trình sinh học 11 và nằm ở mức nhận biết và thông hiểu. Còn đối với phần kiến thức lớp 12 chủ yếu tập trung học kỳ 1 với 25 câu, chương trình học kỳ 2 với chín câu và hoàn toàn không nằm vào nội dung giảm tải.
"Xét về mức độ khó dễ của đề minh họa với 22 câu ở mức độ nhận biết, bảy câu thông hiểu, bảy câu vận dụng và bốn câu vận dung cao, tôi đánh giá đề hoàn toàn phù hợp cho kỳ thi tốt nghiệp. Nó cũng là một cơ sở tương đối cho các trường đại học nếu lựa chọn kết quả của kỳ thi này cho việc xét tuyển các chỉ tiêu vào trường" - cô Trang chia sẻ thêm.
Với môn vật lý, nội dung giảm tải cho học sinh trong học kỳ 2 lớp 12 không xuất hiện trong đề. Số lượng câu khó giảm nhưng mức độ trong các câu khó thì không giảm.
Tổ hợp KHXH: Độ phân hóa không cao
Môn địa lý, cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo, (TP.HCM), chia sẻ đề tương đối nhẹ nhàng. Kỹ năng atlat, nhận xét biểu đồ, bảng số liệu chiếm khoảng 30%. Nội dung cơ bản nằm ở học kỳ 1 lớp 12, học kỳ 2 chiếm tỉ lệ ít. Đề thi không có nội dung kiến thức lớp 11 nên học sinh khá dễ thở.
Với đề thi này, học sinh dễ dàng đạt được điểm 5, điểm 6. Còn học sinh khá, chăm học dễ đạt điểm 7, điểm 8. Độ phân hóa của đề thi khá thấp. Với đề này phù hợp với việc xét tốt nghiệp, còn rất khó để sử dụng tuyển sinh.
Còn đối với môn lịch sử, một số giáo viên cho rằng đề gồm 10 câu lịch sử thế giới, 30 câu lịch sử Việt Nam. Độ phân hóa không nhiều, đề thi tương đối phù hợp với việc xét tốt nghiệp.
Riêng môn giáo dục công dân, đề thi tập trung ở nội dung kiến thức học kỳ 1 lớp 12, không có câu hỏi thuộc đơn vị kiến thức giảm tải. Số lượng nhận biết, thông hiểu, chiếm 50%.