Chiều 14-4, sau ba ngày làm việc, TAND TP Hà Nội kết thúc phần xét hỏi đại án Gang thép Thái Nguyên. Đại diện VKS đề nghị mức án đối với 19 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Đối chất giữa chủ đầu tư và nhà thầu phụ
Theo đó, bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu tổng giám đốc TISCO) bị đề nghị 10-11 năm tù, Trần Văn Khâm (cựu chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc TISCO) 9-10 năm tù, Mai Văn Tinh (cựu chủ tịch HĐQT VNS) 6-7 năm tù, Đậu Văn Hùng (cựu tổng giám đốc VNS) 3-4 năm tù, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Các bị cáo còn lại bị đề nghị 1-9 năm tù về cùng tội danh trên hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo buộc của VKS, TISCO giới thiệu Tổng Công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ thi công phần C của gói thầu 01#EPC. Do VINAINCON không đủ năng lực, TISCO phải ký thêm 13 hợp đồng với 13 nhà thầu phụ khác nhưng cuối cùng phần C vẫn không thể hoàn thành.
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị các mức án đối với từng bị cáo trong vụ Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN
Được triệu tập tới tòa, ông Hoàng Chí Cường (cựu chủ tịch VINAINCON) nhiều lần cho rằng cáo trạng xác định doanh nghiệp này không đủ năng lực là không đúng. Ông Cường nói trước khi Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) tham gia dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên, VINAINCON đã ký văn bản ghi nhớ với MCC, trong đó có nội dung nếu MCC trúng thầu thì VINAINCON sẽ là nhà thầu phụ.
Cựu chủ tịch VINAINCON nói có nhiều nguyên nhân khiến phần C bị dừng, bao gồm vấn đề vướng mắc mặt bằng và chậm bàn giao bản vẽ thi công. “Chúng tôi không thể làm hết được phần việc tại phần C khi không có bản vẽ thiết kế” - ông Cường nói.
Có mặt tại tòa, đại diện VINAINCON cũng khẳng định thời điểm triển khai dự án, VINAINCON là một trong bảy nhà thầu lớn nhất Việt Nam, thực hiện thành công nhiều dự án lớn, “năng lực thực tế của VINAINCON còn lớn hơn rất nhiều hồ sơ gửi TISCO”.
Thế nhưng trái ngược những gì ông Cường trình bày, bị cáo Đặng Văn Tập (cựu phó giám đốc thường trực Ban quản lý dự án) bày tỏ sự phản đối. Theo bị cáo, thời điểm đương chức, ông không nhận được bất cứ văn bản nào từ phía MCC và VINAINCON về việc vướng mặt bằng hoặc chậm giao bản vẽ thiết kế.
Ông Tập khai sau khi ký hợp đồng thầu phụ, VINAINCON dần bộc lộ yếu kém, thi công một số hạng mục rồi dừng, “việc lựa chọn các nhà thầu phụ khác là hệ quả của việc VINAINCON dừng thi công”.
Được HĐXX gọi lên đối chất ngay sau đó, ông Cường lại bác bỏ lời của ông Tập, cho rằng các ý kiến của chủ đầu tư là “không có bằng chứng”. Cựu chủ tịch VINAINCON nêu trong số 21 hạng mục của phần C thì có tới 14-15 hạng mục bị bàn giao chậm, có hạng mục chậm tới 11 tháng và đều có xác nhận của TISCO.
Đại diện Bộ Công Thương nói gì?
Quá trình xét hỏi, bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu tổng giám đốc TISCO) thừa nhận trách nhiệm của TISCO trong việc giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ thi công phần C gói thầu 01#EPC. Tuy nhiên, theo lời bị cáo, đề xuất của TISCO dựa trên sự giới thiệu trước đó của Bộ Công Thương. Cụ thể là một thứ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp có văn bản giới thiệu VINAINCON, nói đây là doanh nghiệp của bộ, có kinh nghiệm và từng xây lắp nhiều công trình quan trọng.
Thế nhưng khi trả lời các câu hỏi liên quan đến nhà thầu phụ, đại diện Bộ Công Thương lại cho rằng văn bản của bộ này chỉ mang tính chất giới thiệu VINAINCON, còn quyết định đồng ý hay không là ở TISCO và VNS.
Về vấn đề đồng ý giao cho VNS xem xét điều chỉnh giá của gói thầu 01#EPC, đại diện Bộ Công Thương khẳng định những văn bản mà bộ ban hành đều được ký đúng quy định pháp luật. Nguyên nhân lớn nhất khiến chi phí dự án phải điều chỉnh là do biến động về giá của vật tư, thiết bị, sự khủng hoảng của thị trường…
Vị đại diện cho biết Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản, “cũng rất đau lòng khi nhìn thấy 19 bị cáo phải đứng trước tòa”.
Trước những câu trả lời trên, thẩm phán Trương Việt Toàn, thành viên HĐXX, khẳng định: “đã ký hợp đồng thì phải chấp nhận cả rủi ro, giá lên thì lỗ, giá xuống thì thắng, đó là quan hệ kinh tế chứ không phải tất cả là do vấn đề về giá. Tòa án chỉ đang xoay quanh hợp đồng EPC”.
“Ông hiểu hợp đồng EPC là như thế nào? Là hợp đồng xây lắp, chuyển giao theo hình thức trọn gói, đã ký hợp đồng trọn gói rồi thì lời ăn lỗ chịu, tại sao giá vật liệu xây dựng mới thấp thỏm, nhấp nhô một chút mà đã đòi hỏi?” - vị thẩm phán truy vấn.
Ông cũng cho rằng nếu Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan quản lý ngành mà ký các văn bản đều đúng pháp luật thì có lẽ hôm nay có rất ít bị cáo chứ không phải 19 người phải đứng trước tòa. Do vậy, đại diện Bộ Công Thương cần trả lời chính xác, trách nhiệm của mình đến đâu thì phải nhận, đừng đổ hết cho các bị cáo.
Thiệt hại hơn 830 tỉ đồng Theo VKS, dù biết rõ việc MCC vi phạm hợp đồng, đề nghị các điều khoản vô căn cứ nhưng các bị cáo là những người có trách nhiệm tại TISCO và VNS vẫn có văn bản đề nghị chấp thuận điều chỉnh chi phí dự án. Hành vi này của các bị cáo dẫn đến hậu quả thất thoát, lãng phí, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước với tổng số tiền lên tới hơn 830 tỉ đồng. Hành vi này còn tác động gián tiếp, làm gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế, đến nay dự án vẫn đang trong tình trạng không thể tiếp tục thực hiện dù Chính phủ, các bộ, ngành, VNS và TISCO đã tìm nhiều biện pháp tháo gỡ. Trong vụ án, bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu tổng giám đốc TISCO) là người có vai trò chính, trực tiếp chỉ đạo thực hiện hành vi phạm tội, chịu trách nhiệm toàn bộ về hiệu quả của dự án. |