Tại tòa đại diện VKS đã đề nghị phạt Huỳnh Văn Thức (43 tuổi, nguyên trưởng phòng kế hoạch kinh doanh) và Trần Thị Diễm Thúy (44 tuổi, nguyên kế toán trưởng) mỗi bị cáo 15-17 năm tù; Phạm Anh Thơ (54 tuổi, nguyên tổ trưởng tổ nông sản) 10-12 năm tù, Võ Minh Khôi (28 tuổi, nguyên nhân viên phòng kế hoạch kinh doanh) 10 năm tù cùng về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ phải qua trái, các bị cáo Thơ, Khôi, Thức và Thúy cùng đứng dậy nói lời sau cùng trước khi tòa vào nghị án chiều 11-1. Ảnh: N.NAM
VKS đề nghị phạt Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa (55 tuổi), nguyên chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum (gọi tắt là Công ty Thịnh Phát), tù chung thân; con trai bị cáo Nghĩa là Nguyễn Ngọc Thạch (36 tuổi, phó tổng giám đốc) 16-18 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại tòa, ngày 10-1, bị cáo Nghĩa cho biết công ty của bị cáo từng được đánh giá là làm ăn hiệu quả và bản thân bị cáo Nghĩa từng được nhận rất nhiều bằng khen của tỉnh Kon Tum, nhiều danh hiệu doanh nhân tiêu biểu, doanh nhân làm theo lời Bác Hồ...
Tại tòa luật sư của hai bị cáo Thức, Khôi đề nghị tòa xem xét nguyên giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long (LTVL) Dương Lê Dũng có phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hay không, nếu chưa xác định được thì trả hồ sơ điều tra bổ sung, nếu nguyên giám đốc không phạm tội đó thì hai bị cáo Thức, Khôi không phạm tội.
Luật sư của bị cáo Thơ đề nghị xử bị cáo theo tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư của hai bị cáo Nghĩa, Thạch không đồng ý tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà đổi sang tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Hai mẹ con bị cáo Nghĩa, Thạch đứng dậy nói lời sau cùng tại tòa chiều 11-1. Ảnh: N.NAM
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, theo cáo trạng, Công ty LTVL là chi nhánh của Tổng Công ty TNHH MTV Lương thực miền Nam (100% vốn nhà nước), được tổng công ty giao vốn để thực hiện kinh doanh với mục tiêu kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn tổng công ty giao.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động kinh doanh, Dương Lê Dũng (nguyên giám đốc Công ty LTVL) là người đứng đầu, mặc dù biết rõ việc công ty mình tự ý hợp tác kinh doanh với Công ty Thịnh Phát là trái nguyên tắc, vượt thẩm quyền nhưng vẫn ký các hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng kinh tế và chỉ đạo nhân viên thực hiện, vi phạm Nghị định 09/2009, Quy chế quản lý tài chính, Quy chế quản lý tiền hàng mua bán, cung ứng hàng hóa dịch vụ của HĐQT Tổng Công ty Lương thực miền Nam. Tổng số tiền Công ty LTVL đã ứng thực hiện hợp tác kinh doanh cho Thịnh Phát gây thiệt hại là hơn 102 tỉ đồng nợ gốc.
Nguyên giám đốc Dương Lê Dũng được xác định là người cầm đầu, có vai trò chủ mưu trong vụ làm trái nhưng đã chết vào năm 2014 nên được đình chỉ điều tra bị can.
Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa (55 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Thịnh Phát) trong quá trình giải chấp hai kho hàng để thực hiện hợp đồng kinh tế với Công ty LTVL, mặc dù biết rõ hàng trong kho chỉ có gần 25.000 tấn nhưng không báo cho đối tác mà chỉ đạo con trai là bị cáo Nguyễn Ngọc Thạch (nguyên phó tổng giám đốc) xác nhận hàng trong kho có 39.500 tấn, lấy tiền ngân hàng chi tiêu công ty và cá nhân được xác định là hơn 79 tỉ đồng.