Ngày 17-1, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã có kết luận điều tra vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả và chuyển VKSND tỉnh này đề nghị truy tố bảy bị can.
Bán xăng giả, cá nhân thu lợi thật hơn trăm tỉ
Các bị can của vụ án gồm Trịnh Sướng (53 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng), Lưu Văn Nguyện (45 tuổi, chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Bình Minh), Nguyễn Thành Trung (41 tuổi, công nhân Công ty TNHH Mỹ Hưng), Ngô Dương Anh Tuấn (37 tuổi) và Trần Văn Phước (39 tuổi, cùng là công nhân Công ty CP TM Hóa dầu Resol), Trương Văn Thuận (36 tuổi, lái tàu của Công ty TNHH Mỹ Hưng, Gia Thành) và Nguyễn Thị Hồng Thủy (44 tuổi).
Theo kết luận điều tra, công ty của bị can Trịnh Sướng không đủ điều kiện pha chế, sản xuất xăng dầu nhưng đã tổ chức pha trộn dung môi, hóa chất tăng RON và hỗn hợp màu Azo với xăng nền, tạo thành xăng A95, E5 RON 92 giả với khối lượng lớn để bán lẻ ra thị trường. Tổng khối lượng xăng giả công ty ông Sướng đã pha chế, sản xuất là hơn 140 triệu lít, tương đương giá trị hàng thật là hơn 2.385 tỉ đồng, qua đó ông Sướng hưởng lợi số tiền trên 112 tỉ đồng.
Ba bị can Nguyễn Thành Trung, Ngô Dương Anh Tuấn và Trần Văn Phước với nhiệm vụ được giao là quản lý kho, cấp phát xăng. Các bị can này đã giúp bị can Trịnh Sướng tiếp nhận dung môi, hóa chất và trực tiếp pha trộn, tạo xăng giả tại kho xăng dầu của Công ty Mỹ Hưng và kho xăng dầu Ressol.
Riêng bị can Nguyễn Thị Hồng Thủy là người có vai trò giúp sức tích cực cho ông Trịnh Sướng trong việc liên hệ, mua dung môi, hóa chất để phục vụ cho việc pha xăng giả. Trương Văn Thuận (thuyền trưởng tàu Gia Thành 7) đã giúp ông Sướng vận chuyển dung môi, toluene và MTBE để tổ chức pha chế. Với Lưu Văn Nguyện, bị can này đã lợi dụng các quy định pháp luật về hóa chất, trực tiếp thỏa thuận, mua bán dung môi với Sướng với khối lượng lớn.
Từ tháng 6-2019 đến nay, bảy bị can này đã bị cơ quan chức năng tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Nông. Họ đều bị đề nghị truy tố tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại khoản 3 Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 (mức hình phạt 7-15 năm tù).
Khu xăng dầu nơi được cho là trung tâm pha chế xăng giả của ông Trịnh Sướng (ảnh nhỏ) thuộc huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Ảnh: TRẦN VŨ
Lực lượng chức năng kiểm tra các mẫu xăng và Lưu Văn Nguyện, mắt xích quan trọng trong đường dây xăng giả của Trịnh Sướng. (Ảnh do công an cung cấp)
Thứ trưởng Bộ Công an chỉ đạo phá án
Năm 1996, ông Sướng thành lập Công ty TNHH Mỹ Hưng, chuyên kinh doanh xăng dầu. Năm 2015, công an phạt ông Sướng 50 triệu đồng vì hành vi mua bán xăng dầu với các đối tượng ngoài hệ thống phân phối.
Năm 2019, Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện cửa hàng xăng dầu do ông này quản lý ở Gia Nghĩa bán xăng giả nên mở rộng điều tra. Bộ Công an sau đó vào cuộc với Thứ trưởng Lê Quý Vương làm trưởng ban chuyên án, các thành viên gồm giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cục trưởng Cục CSĐT cùng lãnh đạo một số đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an.
Từ ngày 28-5 đến 2-6-2019, công an đã khám xét khẩn cấp sáu địa điểm thuộc địa bàn TP.HCM, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, qua đó bắt quả tang bốn nhóm đang có hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả. Công an xác định từ năm 2017, ông Sướng cùng đồng phạm đã chi 3.000 tỉ đồng để mua dung môi pha với xăng kém chất lượng thành xăng E5, RON 92, RON 95 giả. Mỗi tháng đường dây này đưa ra thị trường khoảng 6 triệu lít xăng giả các loại, thu lợi bất chính hàng ngàn tỉ đồng.
Theo kết quả giám định, số xăng giả thu giữ đều không đảm bảo chất lượng, có thể làm hỏng động cơ xe.
Bộ Công an: Xăng giả của Trịnh Sướng lan cả ra phía bắc Trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 8-2019, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng xăng dầu là mặt hàng trọng yếu, vì vậy Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 đã có hàng loạt chỉ thị yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, đảm bảo chất lượng xăng dầu trên địa bàn. Với vụ buôn bán xăng giả của ông Trịnh Sướng, theo bộ trưởng, sự phối hợp của các lực lượng ở địa phương chưa kịp thời, hiệu quả. “Trong khi chờ kết luận của CQĐT, để đẩy lùi hàng giả tại địa phương thì cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng này... Sau khi có kết luận của công an, bộ sẽ nghiêm túc cùng các lực lượng chức năng rút kinh nghiệm” - ông Trần Tuấn Anh nói. Thông tin thêm, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết vụ sản xuất xăng giả này diễn ra nhiều năm, liên quan đến nhiều cơ quan và đối tượng. Phạm vi cung cấp lượng xăng giả này trải dài nhiều tỉnh, từ Nam bộ đến miền Trung, thậm chí đã lan ra một số địa phương phía bắc. “Chúng tôi đang điều tra, kết luận về các thủ đoạn và rút ra được nhiều nguyên nhân. Từ vụ xăng giả đó giải đáp được tại sao thời gian vừa qua, các phương tiện ô tô, xe máy đang đi trên đường tự nhiên bốc cháy. Vì xăng giả làm từ chất tạo cháy pha vào để kích thích lượng xăng dầu gây cháy” - Bộ trưởng Tô Lâm cho biết. Đ.MINH |