Để thẩm phán ‘dám’ dũng cảm tuyên vô tội

hai là TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm đã bác kháng nghị của VKS hai cấp và tuyên anh Lê Văn Thi vô tội. Hai sự kiện này tuy chỉ ngẫu nhiên xảy ra cùng lúc nhưng để lại nhiều cảm xúc cho những người quan tâm đến nền tố tụng nước nhà.

Trong thời gian qua, nhiều cơ quan tố tụng đã minh oan cho nhiều người chứ không chỉ có hai vụ này. Những vụ minh oan ấy đều để lại cho cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng những bài học bổ ích.

Trên thực tế, có rất ít trường hợp tòa án tuyên bố ngay bị cáo không phạm tội mà thường trả hồ sơ vụ án một vài lần cho VKS. Có tòa còn “giữ quan điểm” trả hồ sơ đến cùng chứ quyết không tuyên bị cáo vô tội, dù VKS và CQĐT không điều tra bổ sung được gì. Đành rằng theo quy định của BLTTHS thì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, tòa án có quyền trả hồ sơ vụ án hai lần rồi mới mở phiên tòa xét xử, còn tại phiên tòa HĐXX có quyền trả n lần nếu qua xét hỏi và tranh tụng thấy không thể kết án được bị cáo. Quy định như vậy vô hình trung trở thành kẽ hở để các tòa lợi dụng, bởi có nhiều vụ họ biết thừa dù có trả hồ sơ thì VKS và CQĐT cũng không thể đáp ứng!

Khi góp ý vào dự thảo BLTTHS 2015, đã có chuyên gia mạnh dạn đề xuất nên bỏ thủ tục trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Thay vào đó, tại phiên tòa, nếu sau khi xét hỏi và tranh tụng, HĐXX thấy không đủ chứng cứ buộc tội bị cáo thì tuyên không có tội. Tiếc là đề xuất này không được Quốc hội chấp nhận nên BLTTHS 2015 vẫn quy định cho phép tòa án trả hồ sơ. Quy định này, nếu xét về khía cạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm thì không có vấn đề gì nhưng nó có thể làm cho cơ quan tố tụng, nhất là tòa án, dễ lợi dụng để kéo dài vụ án. Thực tiễn đã có không ít vụ án sau khi tòa án trả hồ sơ thì VKS hoặc CQĐT phải đình chỉ. Phải chăng tòa án muốn “đá quả bóng” oan lại cho VKS và CQĐT, hay đơn giản vì tòa nể nang, cứ trả để VKS “tự xử” (tức tự đình chỉ)!

Hiện nay, việc tòa án tuyên bố một bị cáo không phạm tội như ở TAND thị xã Thuận An và TAND tỉnh Bình Dương được coi là hành động dũng cảm, đáng hoan nghênh. Nhưng dường như có không nhiều những thẩm phán như vậy bởi họ còn ràng buộc nhiều thứ, trong đó có việc bị đánh giá thi đua hay xem xét khi tái bổ nhiệm thẩm phán nếu họ tuyên vô tội mà án bị hủy. Có lẽ TAND Tối cao cũng cần nghiên cứu vấn đề này, làm sao tạo cơ chế để thẩm phán “dám” dũng cảm tuyên vô tội khi không đủ chứng cứ kết tội bị cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm