Được “mục sở thị” đề thi môn văn khiến người nhiều năm giảng dạy lớp 12 và luyện thi đại học như tôi không khỏi sững sờ trước độ dài của đề kín hai trang giấy. Riêng phần Đọc, hiểu chiếm phân nửa dung lượng với các câu hỏi thuộc hai thể loại văn bản văn xuôi và thơ. Tóm lại, độ dài của đề là “xưa nay chưa từng thấy”.
Phần này sẽ chiếm thời gian đọc đề rất nhiều để trả lời đến 8 câu hỏi. Thí sinh cần chọn câu nào dễ làm trước (nhưng phải theo nhóm của phần đọc hiểu văn xuôi hoặc phần đọc hiểu của thơ) .
Ví dụ, phần văn xuôi có 4 câu hỏi thì các em không cần trả lời theo thứ tự từ 1 đến 4 mà câu nào làm trước cũng được. Phần thơ có 4 câu hỏi các em cũng có quyền chọn câu nào dễ thì làm trước. Tuy nhiên phải lưu ý đề thi ghi ký hiệu nào thì bài làm phải ghi giống ký hiệu của đề.
Các em muốn đạt điểm cao phải nắm các công cụ để soi chiếu văn bản, đó là: các biện pháp tu từ, các thao tác lập luận, các phong cách ngôn ngữ,… và nắm được nội dung chủ đề của đoạn trích đọc, hiểu.
So với năm trước về độ khó thì đề thi năm nay kết hợp hai nhiệm vụ xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng nên thật khó so sánh. Bởi vì so với đề thi tốt nghiệp THPT thì đề này quá khó đối với thí sinh, bởi:
+ Câu đọc hiểu khó tương đương đề thi đại học 2014 và dĩ nhiên khó hơn đề thi tốt nghiệp rất xa dù có biểu hiện rõ 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao.
+ Câu nghị luận xã hội thì vừa tầm với cả hai yêu cầu tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.
+ Câu nghị luận văn học không khó so với các kỳ thi đại học trước đó và thậm chí là quen thuộc, nhưng với yêu cầu xét tuyển tốt nghiệp lại là quá khó. Bởi vì các em chưa từng được luyện tập đề kép thế này. Tóm lại, với đề thi như thế này thì khả năng tìm được 5/10 đối đối với thí sinh xét tốt nghiệp THPT là mong manh.
Tuy vậy, đề thi lại đạt được điều quan trọng là phân hoá sẽ rất cao trong xét tuyển đại học để chọn những thí sinh thật sự có năng lực. Bởi vì không dễ để thí sinh trung bình bao quát hết các công cụ tiếng Việt để xử lý cả phần thơ và văn xuôi ở câu đọc, hiểu. Đồng thời ở câu nghị luận văn học không có tự chọn nên phải bao quát hết các thể loại từ truyện, ký, tuỳ bút, kịch, thơ và cả văn bản nghị luận trong sách giáo khoa.
Lời khuyên: Đây chỉ là đề minh hoạ, nhưng ít ra về cấu trúc và thang điểm đã rõ. Cho nên thí sinh cần tập trung nắm vững các công cụ tiếng Việt đã nói ở trên. Các em đang học 12 phải nhanh chóng luyện tập kiểu đề này từ thơ đến văn xuôi, vì có thể ra hai đoạn văn xuôi ở hai tác phẩm khác nhau trong phần nghị luận văn học. Riêng phần nghị luận xã hội, các em cần phản xạ rằng dù đề ra ở phương diện tư tưởng đạo lý hay hiện tượng đời sống thì luôn hướng chúng ta về lối sống tốt , hữu ích mà thôi. Có điều các em phải phải nắm vững kỹ năng lập dàn ý, tìm những luận điểm chính, phụ để đi vào trọng tâm, tránh viết lan man không định hướng.
Tóm lại, nhìn chung đây là đề thi minh hoạ khá hay và phân hoá cao nên khả năng tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay sẽ thấp hơn năm trước. Đối với yêu cầu xét tuyển đại học thì đề thi như thế này không phải là thách thức với học sinh đã chủ động học tập.
Thầy Nguyễn Đức Hùng (Giáo viên Văn – Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn, TP.HCM)