Để thuế thu nhập cá nhân không 'đè' lương

(PLO)- Việc tăng lương đã phần nào đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân trong thời buổi giá cả tăng.

Mức lương cơ sở đã chính thức tăng từ đầu tháng 7, theo đó các cán bộ, công chức, viên chức được tăng lương để trang trải cuộc sống. Thế nhưng chưa kịp vui mừng khi lương tăng thì nhiều người đã phải thở dài bởi phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Từ ngày 1-7, tiền lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được tăng 20,8%, từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng.

Đợt tăng lương cơ sở lần này đã được tính toán trong kế hoạch, chương trình dài hạn của Chính phủ. Bởi trên thực tế, mức thu nhập của các CBCCVC nhà nước là thấp hơn so với người làm việc khối doanh nghiệp.

Việc tăng lương đã phần nào đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân trong thời buổi giá cả tăng. Điều này cũng giúp cho các CBCCVC có thu nhập tốt để họ có thể sống bằng chính đồng lương của mình.

Là một trong những người được tăng lương vào tháng 7 này, chị NH (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) là viên chức đang làm việc ở một đơn vị sự nghiệp công lập. Đợt tăng lương này, chị H được tăng hơn 900.000 đồng với hệ số lương hiện tại của chị là 3. Trước tháng 7, tổng mức lương của chị H được gần 11 triệu đồng/tháng.

Với mức lương này, nếu trừ tiền trọ, tiền ăn uống, sinh hoạt hằng ngày cho bản thân thì chị cũng chỉ dư vài trăm ngàn đồng. Nếu tháng nào “dính” một, hai đám cưới hay phải về quê thăm gia đình thì phải vay mượn thêm. Ngày 10-7, lương chị được tăng lên 11,7 triệu đồng, chưa kịp mừng thì chị nhận được thông tin mình bị trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hơn 40.000 đồng.

Từ một người có mức lương chưa đến mức chịu thuế, nay vì tăng lương được vài trăm ngàn đồng lại đóng thêm tiền thuế TNCN, chị H không cảm nhận được trọn vẹn niềm vui tăng lương.

Theo khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê thì thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 4,67 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người được công bố năm 2006 là 636.000 đồng/người/tháng. Như vậy trong vòng 16 năm (từ năm 2006 đến 2022) thì mức thu nhập bình quân đầu người đã tăng hơn bảy lần.

Trong khi Luật Thuế TNCN được áp dụng từ năm 2007 đến nay chỉ có hai lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế. Cụ thể, lần thứ nhất, mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng; lần thứ hai điều chỉnh từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức tăng giảm trừ gia cảnh từ năm 2007 đến nay tăng chưa đến ba lần trong khi mức thu nhập của người dân từ năm 2006 đến 2022 tăng lên đến hơn bảy lần.

Điều này cho thấy quy định về thuế TNCN áp dụng mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh quá lạc hậu, không theo kịp thực tế khiến nhiều gia đình có mức thu không đủ chi nhưng vẫn phải chịu thuế. Với những người sinh sống tại các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… thì mức thu nhập 11 triệu đồng/tháng hiện nay chỉ vừa đủ chi tiêu cho phòng trọ và các sinh hoạt thiết yếu, khó có khả năng để dành mua nhà hoặc lo cho các khoản chi tiêu khác. Hiện nay, ngưỡng chịu thuế 11 triệu đồng/tháng và giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng đã không còn phù hợp với giá thực tế và chi phí bình thường cho nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Vì vậy, cần sớm sửa quy định của Luật Thuế TNCN theo hướng nâng ngưỡng chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc cho phù hợp với thực tế hiện nay. Có như vậy thì việc tăng lương mới có ý nghĩa trọn vẹn là củng cố thêm lòng tin của người dân, bù đắp công sức cho người lao động để họ có thêm nguồn kinh phí trang trải cuộc sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới