Để TP.HCM là 'nơi trú bão', kiến tạo nền tảng bứt tốc

(PLO)- Cần nhanh chóng giải quyết các điểm nghẽn về hành chính và nghiên cứu cơ chế đặc thù sau Nghị quyết 54 để TP.HCM phát huy tối đa tiềm năng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhìn lại sáu tháng đầu năm, theo TS Trương Minh Huy Vũ (ĐH Quốc gia TP.HCM), nếu TP.HCM giải quyết gấp rút các điểm nghẽn hiện nay và được hưởng một cơ chế đặc thù mới ưu việt hơn từ nền tảng Nghị quyết 54 thì TP có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trở thành “nơi trú bão” an toàn trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động.

TS Trương Minh Huy Vũ

TS Trương Minh Huy Vũ

Kiến tạo nền tảng mới cho tăng trưởng

. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào khi nhìn lại bức tranh kinh tế TP.HCM trong sáu tháng đầu năm 2022?

+ TS Trương Minh Huy Vũ: Theo dữ liệu mới cập nhật của Nikkei, Việt Nam hiện đã vào top 2 quốc gia có chỉ số phục hồi kinh tế sau dịch tốt nhất. Theo báo cáo của Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) thực hiện mới đây, kinh tế TP đã phục hồi đáng kể so với giai đoạn trước dịch. Một số lĩnh vực thậm chí tăng trưởng cao chưa từng có. Khu vực thương mại dịch vụ đạt 98% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi xuất khẩu cũng tăng trưởng vượt đỉnh của chu kỳ trước. Tăng trưởng GRDP đạt mốc 3,82%, vượt hết các kịch bản dự báo. Điều đó rất đáng trân trọng.

. Ưu tiên trong sáu tháng cuối năm, khi kinh tế đang trên đà phục hồi, có phải là thúc đẩy nền kinh tếtăng trưởng mạnh mẽ hay không, thưa ông?

+ Tôi không nghĩ vậy. Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng có thể biến động khó lường nhưng tăng trưởng kinh tế ngắn hạn vẫn rất khả quan. Theo dự báo, tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước có thể đạt mốc 7,1% trở lên, trong khi lạm phát sẽ vào khoảng 3,8%. Với TP.HCM, tăng trưởng dự kiến đạt trên 7%, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Như vậy, hai quý còn lại của năm thay vì thúc đẩy nhanh tăng trưởng bằng mọi giá, chúng ta cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời kiến tạo các nền tảng tăng trưởng mới cho TP những năm tiếp theo.

. Nội hàm của việc kiến tạo nền tảng tăng trưởng mới cho TP là gì, thưa ông?

+ Trước hết, phải tập trung chuyển dịch nền kinh tế TP sang mô hình kinh tế công nghệ cao, ít thâm dụng lao động. Hiện đã có đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm logistics, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo… Phải làm sao để TP được biết đến là nơi sản sinh ra các hoạt động thương mại, dịch vụ mang về giá trị cao, chất lượng cao, cạnh tranh với nhiều TP lớn trong khu vực và trên thế giới. TP vẫn còn rất nhiều dư địa, nhất là khi chúng ta cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng công nghệ cao thì mức tăng trưởng trong dài hạn có thể vượt xa kỳ vọng hiện nay.

Một nền tảng khác đó là kết nối hạ tầng giao thông và logistics. Các dự án như đường vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và nhiều dự án nội thành, nội thị TP.HCM nếu được thúc đẩy mạnh mẽ sẽ tạo điều kiện để kinh tế tăng trưởng bền vững.

Cần có cơ chế phát huy vai trò của TP.HCM trong sự liên kết của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cần có cơ chế phát huy vai trò của TP.HCM trong sự liên kết của vùng kinh tế trọng điểm
phía Nam. Ảnh: HOÀNG GIANG

Giải quyết các điểm nghẽn hành chính

. Quá trình kiến tạo các nền tảng để tạo đà tăng trưởng của kinh tế TP có thể gặp phải những khó khăn, trở ngại nào cần được giải quyết?

+ Tôi nghĩ thách thức lớn nhất chính là thủ tục hành chính. TP phải tập trung triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 (như các chỉ số PCI, PAPI, Par Index, cổng dịch vụ công) và cải thiện môi trường đầu tư. Phải làm sao để môi trường đầu tư của Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước; môi trường đầu tư của TP phải cạnh tranh với các đô thị lớn của thế giới.

Làm sao người dân phải cảm nhận được môi trường hành chính tốt lên, còn doanh nghiệp thì tìm đến Việt Nam, đến TP.HCM nhiều hơn thay vì đến các nước khác. Tôi cũng muốn lưu ý thêm tốc độ giải ngân vốn ODA và đầu tư công hiện nay còn chậm, điều này sẽ làm tắc nghẽn các dự án hạ tầng giao thông quan trọng.

Như vậy, việc thành lập các tổ công tác như những “biệt đội với từng nhiệm vụ đặc biệt” để tăng chỉ số cải cách hành chính, quản trị hiệu quả thực thi là rất cấp thiết. Song song đó, cần lập danh sách các dự án ưu tiên, dự án nào quan trọng và cấp bách thì gỡ rối trước. Việc này cần thúc đẩy ngay trong hai quý còn lại của năm 2022.

Cảng container Trung tâm Sài Gòn tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCMcó công suất khai thác 1,5 triệu TEU/năm, cho phép các tàu có trọng tải 5.000 TEU vào cập cảng. Ảnh: TTXVN

Cảng container Trung tâm Sài Gòn tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCMcó công suất khai thác 1,5 triệu TEU/năm, cho phép các tàu có trọng tải 5.000 TEU vào cập cảng. Ảnh: TTXVN

Cơ chế thúc đẩy liên kết vùng

. TP.HCM tuy là đầu tàu kinh tế của cảớc nhưng không thể tách rời với các địa phương khác, nhất là vùng Đông Nam bộ. Tuy vậy có vẻ lâu nay vấn đề liên kết vùng dù được nhắc nhiều nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng?

+ Chính phủ vừa tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW ngày 29-8-2005 của Bộ Chính trị tại TP.HCM. Như Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu, việc thực hiện Nghị quyết 53 đã giúp vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thể hiện và giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, trở thành trung tâm tài chính, logistics, đầu mối giao lưu quốc tế lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất đó là hiện trạng phát triển của vùng vẫn dưới tiềm năng, thậm chí là chậm so với các vùng khác. Lãnh đạo TP đã chỉ ra: Tốc độ tăng trưởng chậm lại và chậm hơn tốc độ chung của các nước; vai trò mắt xích chung trong xuất khẩu giảm; sử dụng vốn chưa hiệu quả so với mặt bằng chung của cả nước...

Hạn chế trong liên kết vùng phía Nam

Hiện vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn thiếu cơ chế khuyến khích địa phương sáng tạo, chủ động liên kết vùng. Ngoài ra, quy hoạch vùng chưa tạo được động lực đẩy cả vùng đi lên mà trái lại còn kìm hãm, tạo cạnh tranh giữa TP.HCM và các địa phương với nhau. Quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông còn yếu kém, trong khi thu hút sự tham gia từ khu vực tư nhân còn hạn chế.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ

. Vậy TP.HCM cần hành động gì để giải quyết những hạn chế trên?

+ Trước hết, TP.HCM phải thúc đẩy định hướng phát triển riêng của mình trong chuỗi mắt xích cả vùng. TP phải dành đất để phát triển hạ tầng dịch vụ cho chín nhóm ngành lợi thế (gồm tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; du lịch; vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản bất động sản; tư vấn; khoa học - công nghệ, y tế; giáo dục và đào tạo).

Song song, TP phải làm tốt các đồ án quy hoạch về xây dựng và quy hoạch tích hợp. Việc thúc đẩy đường vành đai 3, cao tốc Mộc Bài - TP.HCM… sẽ đóng vai trò dẫn dắt, tạo điểm tựa để các lĩnh vực xây dựng - bất động sản, thương mại, dịch vụ, tài chính - ngân hàng vươn lên, hình thành các trung tâm kinh tế - tài chính của cả vùng.

Cuối cùng, tôi nghĩ đã đến lúc trung ương và TP.HCM tổng kết Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, đồng thời nghiên cứu một nghị quyết mới thay thế để TP.HCM phát huy tối đa tiềm năng. Bởi lẽ TP.HCM phát triển càng mạnh sẽ tạo động lực cho cả vùng càng lớn. Nghị quyết mới nên tập trung vào sáu nhóm cơ chế, chính sách: (i) sử dụng đất và tài sản công; (ii) công tác cán bộ và phát triển nguồn nhân lực; (iii) nguồn lực tài chính; (iv) thúc đẩy liên kết vùng; (v) phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghệ số tập trung; (vi) phát triển văn hóa - xã hội.

Trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine, dịch COVID-19 và nhiều vấn đề khác khiến nền kinh tế nhiều nước đang rơi vào khó khăn, nếu TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có thể bứt tốc lúc này thì chúng ta sẽ trở thành “nơi trú bão” an toàn.

. Xin cám ơn ông.

Cần chính sách từ trung ương

Theo phát biểu đề xuất của chủ tịch UBND TP.HCM, trung ương cần sớm triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ theo Quyết định 463/QĐ-TTg ngày 15-4-2022 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển và bộ máy điều hành, các nhóm tư vấn chính sách phát triển vùng. Trung ương cũng cần định hướng sửa đổi, thí điểm cơ chế chia sẻ nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa các địa phương đóng góp cho vùng, giải quyết những bất cập về thu chi ngân sách để phát triển mục tiêu chung như hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm