Thi tốt nghiệp THPT 2022:

Đề văn quen thuộc, đề toán phân hóa cao

(PLO)- Nhiều giáo viên và thí sinh cho rằng đề thi năm nay không quá khó, phù hợp với tình hình dạy học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (8-7), thí sinh (TS) sẽ bước vào hai bài thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là ngoại ngữ và tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.

Đề ngữ văn không mới

Kết thúc 120 phút làm bài thi môn văn, TS ở nhiều điểm thi tươi cười rạng rỡ.

Do ôn kỹ tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa nên Hiền Nghi, học sinh Trường THPT Trường Chinh (TP.HCM), làm bài khá tốt. Nghi dự đoán em đạt khoảng điểm 7 môn văn.

Nghi cho biết phần nghị luận xã hội đề cập đến vấn đề trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước cha anh đi trước. “Vấn đề này khá hay và phù hợp với tình hình hiện nay. Trước yêu cầu của đề, em đã viết về những việc giới trẻ cần làm để tiếp nối ông cha. Cụ thể như phấn đấu học tập để trở thành một công dân tốt...” - Nghi chia sẻ.

Thí sinh trao đổi với nhau sau giờ thi toán tại điểm thi Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TP.HCM) vào chiều 7-7. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thí sinh trao đổi với nhau sau giờ thi toán tại điểm thi Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TP.HCM) vào chiều 7-7. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhận xét đề thi môn ngữ văn năm nay, cô Mai Thu Thủy, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM, cho biết cách ra đề năm nay khá gần gũi ở cả phần nghị luận xã hội và văn học. Nội dung đề chủ yếu ở chương trình lớp 12, phù hợp với điều kiện dạy và học trong tình hình dịch bệnh thời gian qua.

Bài thơ ở phần đọc hiểu khá hay, các câu hỏi đặt ra gần như là kiến thức cơ bản để các em lấy điểm. Riêng câu số 4 là câu có tính phân loại.

Theo cô Thủy, ở phần nghị luận xã hội, vấn đề đặt ra không mới khi nói về trách nhiệm của thế hệ trẻ. Tuy nhiên, các em vẫn có thể bày tỏ được những suy nghĩ của bản thân vì ở mỗi thời điểm khác nhau, các em đều cần có những thái độ, hành động cụ thể để tiếp nối sự hy sinh cũng như truyền thống của các thế hệ đi trước.

Ở phần nghị luận văn học, theo cô Thủy, đoạn trích trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa nằm trong dự đoán của thầy cô vì bài này thuộc học kỳ 2, khi thầy trò được học trực tiếp hoàn toàn. Hơn nữa, đây là tác phẩm quen thuộc trong đề thi nhiều năm trước nên các em đã được làm quen. Tuy nhiên, điểm mới trong đề thi năm nay là có thêm ý yêu cầu TS liên hệ hai hình ảnh chiếc thuyền để từ đó rút ra thông điệp mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Theo cô Thủy, đây là cách làm mới đề thi và cũng là nơi để phân loại TS khá, giỏi vì nội dung này đòi hỏi TS phải biết vận dụng kiến thức, kỹ năng mới làm được.

22

Là số thí sinh (TS) bị đình chỉ trong ngày thi đầu tiên. Trong đó, ngữ văn: 12 TS, toán: 10 TS. Có năm TS mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 17 TS mang điện thoại vào phòng thi.

Số TS thuộc diện F0: 79 TS của 20 hội đồng thi. Trong đó, số TS đến dự thi: 18 TS; số TS không đến dự thi: 61 TS.

“Với đề thi năm nay, phổ điểm chủ yếu là 5, 6 điểm vì tuy đề gần gũi nhưng không dễ lấy điểm cao, nhất là từ 8 điểm trở lên. Những em nào học tốt, nghiêm túc, làm bài chỉn chu có thể đạt đến 7 điểm” - cô Thủy nhận định.

“Hiện nay, nhiều em vẫn học bài kiểu máy móc, thầy cô truyền tải như thế nào thì làm bài như vậy vì ngay cả thầy cô cũng không biết người ra đề sẽ ra như thế nào. Cách ra đề này cho thấy ngay cả các thầy cô cũng phải điều chỉnh cách dạy học, không chỉ dừng lại ở việc truyền giảng kiến thức cho học sinh mà cần tập trung cho học sinh nhiều hơn kỹ năng làm bài” - cô Thủy nêu quan điểm.

Cô Lưu Mai Tâm, giáo viên Trường THPT Trịnh Hoài Đức (tỉnh Bình Dương), cũng cho rằng đề thi cơ bản quen thuộc, an toàn, phù hợp với tâm lý, nhận thức của học sinh.

Cụ thể, phần đọc hiểu gồm bốn câu hỏi ở các mức độ nhận thức khác nhau, trong đó câu 1, 2 ở mức nhận biết, câu 3 ở mức thông hiểu, còn câu 4 ở mức vận dụng.

Phần làm văn, câu 1 có lệnh đề rõ ràng, phù hợp với yêu cầu viết đoạn văn. Vấn đề nghị luận đặt ra mang tính truyền thống, quen thuộc. Còn ý sau cũng khá mới và có tính phân loại hơn.

Môn toán khó có “mưa điểm 10”

Kết thúc bài thi môn toán, TS ở nhiều điểm thi khá hài lòng với bài làm dù không dễ có điểm cao. Em Lê Hoàng Phương Uyên, học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP.HCM), hào hứng chia sẻ: “Em tự tin môn toán mình làm được trên 80%. Em cảm thấy đề thi vừa sức. Cấu trúc đề gồm 40 câu đầu dễ, 10 câu sau khó hơn để phân hóa TS”.

“Với nguyện vọng thi vào Trường ĐH Bách khoa, em tự tin mình có thể đạt được nguyện vọng của bản thân. Vượt hơn kỳ vọng em đặt ra” - Uyên bộc bạch.

Thầy La Hồ Tuấn Duy, giáo viên toán Trường THPT Gia Định, đánh giá đề thi năm nay sát với đề minh họa, nội dung kiến thức tập trung chủ yếu ở lớp 12. Tuy nhiên, kiến thức lớp 11 có năm câu chiếm 1 điểm trong đề thi. Về phần xét tốt nghiệp, 35 câu đầu rất nhẹ nhàng đối với TS tương tự như các năm, còn 15 câu sau có mức độ khó hơn. Đối với các TS trong mức trung bình khá, các em có thể đạt được 7 điểm, còn với TS học tốt hơn sẽ đạt 8 điểm. Tỉ lệ học sinh đạt điểm 9 đòi hỏi yêu cầu học tập phải thật sự xuất sắc. Vì có một số câu hỏi khá lạ.

“Tôi nhận thấy phần vận dụng cao chiếm khoảng năm câu tập trung vào hàm số, cực trị của hàm số chứa dấu giá trị tuyệt đối, hình học không gian liên quan đến mặt cầu. Ngoài ra, với câu hỏi ứng dụng tích phân trong tính diện tích, đây là câu hỏi chứa dữ kiện đề bài chưa xuất hiện trong đề thi thử, đề tham khảo của bộ trước đây” - thầy Duy nhận xét.

Tương tự, thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, chia sẻ đề thi đáp ứng việc xét tốt nghiệp và việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

“Với đề thi này, mức điểm phổ biến từ điểm 6 đến điểm 8, còn điểm 9, điểm 10 rất khó. Trong đề có 2-3 câu hỏi lạ so với TS. Việc xuất hiện những câu hỏi trên là hợp lý để phân hóa TS. Để đạt điểm tuyệt đối, TS phải thực sự giỏi hoặc có chút may mắn” - thầy Thịnh nói thêm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiểm tra thi tốt nghiệp THPT

Sáng 7-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đoàn công tác đã đến điểm thi Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi.

Phó Thủ tướng trò chuyện, động viên phụ huynh, TS, đội ngũ tình nguyện viên tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại điểm thi này và trực tiếp kiểm tra phòng làm việc của điểm thi, khu vực trông giữ tư trang của TS.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đã kiểm tra, thị sát điểm thi tại tỉnh Thừa Thiên-Huế và tỉnh Quảng Trị. Tại các điểm kiểm tra, Bộ trưởng động viên sĩ tử, cán bộ giáo viên coi thi và tình nguyện viên có một kỳ thi tốt đẹp.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập.