Đề xuất phạt ban quản trị, ban quản lý chung cư nếu vi phạm về an ninh trật tự, PCCC

(PLO)- Bộ Công an đề xuất đưa ban quản trị, ban quản lý chung cư vào đối tượng bị xử phạt hành chính về lĩnh vực an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Trong dự thảo sửa đổi lần này, Bộ Công an đã đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến xử phạt hành vi vi phạm hành chính diễn ra trong đời sống hằng ngày như: hành vi cố ý gây thương tích, cầm cố tài sản...

Theo đó, về đối tượng xử phạt vi phạm hành chính còn chưa bao quát hết các tổ chức có thể là chủ thể thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực an ninh, trật tự như: Ban quản trị, Ban quản lý nhà chung cư, các tổ chức đảng, tổ chức tôn giáo...Do đó, tại Điều 4 của dự thảo đã bổ sung thêm các đối tượng bị xử phạt hành chính gồm: Tổ chức đảng, tổ chức tôn giáo; Ban quản trị, ban quản lý, chủ đầu tư dự án, công trình; Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.

ban quản trị
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 144/2021 bổ sung đối tượng bị xử phạt hành chính là ban quản trị, ban quản lý chung cư. Ảnh: NT

Tiếp đến, điểm k khoản 3 Điều 12 Nghị định 144/2021 quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi “nhận cầm cố tài sản mà không lưu giữ tài sản cầm cố”. Quy định này chưa phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 314 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của bên nhận cầm cố tài sản như được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận.

Từ đó, điểm k khoản 3 Điều 12 đã được đề xuất sửa đổi lại thành: Nhận cầm cố tài sản mà không lưu giữ hoặc lưu giữ không đầy đủ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cầm cố tại cơ sở kinh doanh trong thời gian cầm cố tài sản đối với tài sản
theo quy định của pháp luật phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản đó hoặc không lưu giữ tài sản cầm cố trừ trường hợp có thỏa thuận theo quy định pháp luật.

Đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác. Dự thảo nghị định cũng sửa đổi theo hướng tách bạch hành vi này với hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho thành viên trong gia đình.

Cụ thể, sửa đổi điểm a khoản 5 Điều 7 thành phạt tiền từ 5-8 triệu đồng đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 52 Nghị định này (gây thương tích cho thành viên trong gia đình).

Liên quan đến xử phạt các hành vi vi phạm về đăng ký và quản lý cư trú, dự thảo nghị định cũng loại bỏ các thuật ngữ "sổ hộ khẩu, sổ tạm trú" thay thế bằng "giấy tờ xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú" để phù hợp với luật cư trú và các văn bản có liên quan hiện hành.

Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, lực lượng Hải quan và Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm