Nội dung trên được Bộ GD&DT nêu tại Dự thảo Nghị quyết về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo đó, những địa phương thiếu giáo viên có thể tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như quy định tại Luật Giáo dục 2019.
Cụ thể, Nghị quyết đề xuất cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy các môn học bao gồm: lịch sử - địa lí, khoa học tự nhiên, công nghệ, ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật (âm nhạc và mỹ thuật) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học và THCS.
Theo Bộ GD&ĐT, tình trạng thừa, thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, đặc biệt là giáo viên dạy các môn ở trên, nhưng chậm được khắc phục do nhiều nguyên nhân.
Công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học đối với các ngành sư phạm lịch sử - địa lí, khoa học tự nhiên, sư phạm âm nhạc và sư phạm mĩ thuật chưa kịp để đáp ứng nguồn giáo viên cho công tác tuyển dụng.
Đa số các trường THPT chưa có giáo viên môn Nghệ thuật để học sinh có lựa chọn môn học theo quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022-2023. Số lượng giáo viên âm nhạc và mĩ thuật ở cấp THCS có trình độ đại học trở lên chưa đủ để bố trí giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông.
Dự báo đến năm học 2024-2025, cấp tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên tin học, 5.780 giáo viên ngoại ngữ; cấp THCS thiếu 11.598 giáo viên môn Công nghệ, 2.366 giáo viên môn Khoa học tự nhiên, 4.321 giáo viên môn Nghệ thuật.
Nếu đề xuất này được thông qua, theo dự thảo, việc tuyển dụng dưới chuẩn được thực hiện đến hết năm 2028, dự kiến thu hút khoảng 10.000 giáo viên trình độ cao đẳng.
Tính đến cuối năm học trước, cả nước có 1,33 triệu giáo viên và cán bộ quản lý. Tổng số giáo viên còn thiếu hiện là hơn 118.000 người. Trong đó, Thanh Hóa và Hà Nội là hai địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất.