Đêm 30 của những người ăn Tết trong bệnh viện

(PLO)- Những bệnh nhân, thân nhân hay nhân viên y tế phải ở lại bệnh viện ăn tết, bởi bệnh tật đâu “né” đêm giao thừa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đã là 30 Tết, có lẽ hầu hết mọi người đang quây quần bên gia đình để chuẩn bị đón một đêm giao thừa ấm áp. Thế nhưng tại khoa Hồi sức - Phẫu thuật tim Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, có những người đang phải ở lại để cùng người thân chiến đấu với bệnh tật. Cũng có người ở lại để làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Họ được chúng tôi gọi với cái tên “những người ăn Tết trong bệnh viện”.

Không dám nhắc đến chữ “Tết”

Hơn hai tuần chăm sóc người cha đang điều trị tại BV này, anh Phạm Ngọc Sơn (45 tuổi, quê Bình Thuận) cứ ngỡ ba sẽ được xuất viện trước tết. Vậy mà đã là 30 tết, sức khỏe ba anh vẫn chưa hồi phục tốt để được xuất viện. Ba anh Sơn bị hở van tim, vừa được phẫu thuật và đang nằm hồi sức.

Anh Sơn cho biết, ba còn bị thận nên hồi phục chậm hơn mọi người, Tết này anh phải ở lại BV để chăm sóc ba, sẽ không được đón giao thừa cùng gia đình như bao người. Từ khi ba nhập viện, anh Sơn và người em thay phiên nhau chăm sóc. Hiện tại em anh đã về quê. “Em trai tôi đòi ở lại BV cùng chăm sóc ba nhưng tôi khuyên em nên về với mẹ để mẹ đỡ buồn”.

Anh Phạm Ngọc Sơn ở lại BV xuyên Tết để chăm sóc ba. Ảnh: NVCC

Anh Phạm Ngọc Sơn ở lại BV xuyên Tết để chăm sóc ba. Ảnh: NVCC

“Tôi có một vợ và hai con đang ở Bình Thuận chờ mình về ăn tết. Nhưng tình hình như vậy rồi, tôi chỉ biết an ủi vợ con năm nay ráng ăn tết mà không có ba. Bây giờ sức khỏe của ba tôi là quan trọng nhất” - người con trai tâm sự.

Mấy hôm nay thấy những người nhập viện cùng lúc đã lần lượt được xuất viện, ba anh Sơn cứ hỏi “sao họ được về cả rồi mà ba còn phải ở đây”. Lúc đó anh Sơn an ủi và giải thích do tình hình sức khỏe ba chưa ổn định, bác sĩ không cho về được.

“Mẹ ở nhà mong ba về lắm. Ba cứ đòi xin bác sĩ cho về ăn tết với gia đình. Người thân ở quê cũng gọi điện liên tục mong mình về. Những ngày này mọi người đều quây quần bên gia đình nên tôi và ba cũng chạnh lòng, nhớ nhà rất nhiều. Tôi thậm chí không dám nhắc đến chữ ‘Tết’ để ba đỡ buồn, bản thân mình cũng vậy. Tôi biết mình phải gạt nỗi buồn sang một bên để lo cho ba được khỏe hơn” - anh Sơn xúc động.

Anh chia sẻ, ba nằm điều trị trong này mới thấy các y BS chăm sóc rất tận tình, liên tục hỏi thăm nên anh cũng được an ủi phần nào. Anh mong sang năm sức khỏe ba tốt hơn, sẽ được bù đắp lại ở những cái Tết sau này.

“Ba tôi điều trị xuyên tết thì các y BS cũng phải chăm sóc cho bệnh nhân, không được về nhà ăn Tết. Tôi biết ơn họ rất nhiều. Thôi thì cùng nhau cố gắng để chăm người nhà, người bệnh tốt hơn” - anh Sơn chia sẻ.

Thay đồng nghiệp trực đêm giao thừa

Đã làm điều dưỡng 5 năm và cũng ăn 5 cái tết trong BV Chợ Rẫy, chị Lê Thị Yến Khoa (27 tuổi), cho biết niềm vui của trực đêm giao thừa là cùng thân nhân, bệnh nhân mở ti vi coi pháo hoa, còn chụp hình cùng nhau để lưu giữ khoảnh khắc. Ngoài ra, khoa còn cúng giao thừa rồi thay phiên nhau ăn.

“Mâm cúng giao thừa ở BV dù sẽ đạm bạc hơn ở nhà nhưng cũng phần nào giúp chúng tôi vơi đi nỗi nhớ nhà. Yêu nghề, thương bệnh nhân là động lực giúp tôi vượt qua nỗi chạnh lòng và nhớ nhà. Ba mẹ tôi cũng hiểu nên luôn cổ vũ, động viên con gái” - chị Khoa tâm sự.

Chị Lê Thị Yến Khoa sẵn sàng đổi lịch để trực giùm đồng nghiệp đêm giao thừa. Ảnh: NVCC

Chị Lê Thị Yến Khoa sẵn sàng đổi lịch để trực giùm đồng nghiệp đêm giao thừa. Ảnh: NVCC

Tại khoa này, có những bệnh nhân 30 tết vẫn còn nằm lại BV, đơn chiếc một mình, không ai chăm sóc. Chị Khoa kể về một ca bệnh nam (khoảng 40 tuổi), đang nằm hồi sức sau phẫu thuật tim vì phình động mạch chủ. Bệnh nhân này đã nhập viện hơn một tháng nhưng không ai chăm sóc. Tết này các điều dưỡng, hộ lý ở lại trực cũng tận tình chăm sóc toàn diện từ hút đờm, vệ sinh răng miệng, lau người, cho ăn uống, theo dõi bệnh.

Chị Khoa cho hay, có một số đồng nghiệp ở xa, vài năm mới được về quê một lần nên chị và mọi người đã đổi lịch cho nhau. Chị nói: “Tôi ở Long An, thường xuyên được về thăm gia đình nên sẵn sàng đổi lịch để trực giùm đồng nghiệp, kể cả đêm giao thừa. Chúng tôi luôn cố gắng gồng gánh cho nhau để chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất trong mọi hoàn cảnh”.

Cũng là điều dưỡng trực Tết của khoa Hồi sức - Phẫu thuật tim, chị Nguyễn Hồng Phương Quỳnh (30 tuổi), cho biết lúc chọn ngành cũng không nghĩ sẽ xa gia đình những dịp lễ Tết nhiều như vậy. Năm đầu tiên ở lại BV trực tết, chị rất nhớ nhà.

Chị Nguyễn Hồng Phương Quỳnh chắm sóc người bệnh đêm 30 Tết Quý Mão. Ảnh: NVCC

Chị Nguyễn Hồng Phương Quỳnh chắm sóc người bệnh đêm 30 Tết Quý Mão. Ảnh: NVCC

Hầu hết giao thừa là lúc cả gia đình quây quần. Nhưng điều dưỡng chúng tôi phải ở lại BV chăm sóc bệnh nhân. Lúc đầu cũng buồn lắm, nhưng sau thành quen, còn thấy thương bệnh nhân nhiều hơn. Có những ca nằm lâu trong BV, không có tiền chữa trị, tết này người nhà cũng phải chạy đôn chạy đáo để xoay sở, coi như là không có tết. Thấy vậy mình cũng muốn cố gắng hết sức để ở lại chăm sóc cho bệnh nhân. Điều dưỡng Nguyễn Hồng Phương Quỳnh bày tỏ.

Chị Quỳnh vừa kết hôn hồi tháng 9, hai vợ chồng đều làm cùng BV. Đêm 30 này chị trực, chồng đón giao thừa một mình. Có lẽ chiếc điện thoại sẽ giúp họ được cùng đón giao thừa, dù là qua một lớp màn hình. Trực xong đêm 30, mùng 1 tết chị sẽ tranh thủ về thăm gia đình hai bên. Mùng 4 lại vào BV tiếp tục với công việc

“Phải đón giao thừa trong BV, nhiều khi tôi cũng chạnh lòng. Để có động lực cố gắng, tôi thường nghĩ dù sao mình cũng may mắn hơn so với những thân nhân, bệnh nhân ở đây. Thấy nhiều bệnh nhân không thể về ăn một cái tết ấm no, mình thương lắm” - điều dưỡng này trải lòng.

Chị cho biết mình là con một nên gia đình rất mong về sum họp đêm giao thừa: “Thương nhất là tôi biết ba mẹ rất nhớ mình, muốn gọi nhưng không dám gọi nhiều. Vì cứ nghĩ con mình làm ở BV rất bận rộn, sợ làm phiền đến công việc của con. Vì thế bất cứ lúc nào rảnh tôi đều chủ động gọi hỏi thăm ba mẹ. Ba mẹ nói ráng làm rồi từ từ về với ba mẹ cũng được”.

Chị Phương Quỳnh và Yến Khoa du xuân tại đường hoa của Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Chị Phương Quỳnh và Yến Khoa du xuân tại đường hoa của Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ăn Tết trong BV, chị Quỳnh kể vẫn có nhiều niềm vui. Đêm 30 hay mùng 1 tết, lãnh đạo BV đều đi chúc tết để an ủi và lì xì động viên cho nhân viên y tế. Đồng nghiệp động viên nhau bằng cách lì xì cho nhau. Các anh chị lớn sẽ lì xì cho các em nhỏ.

“Năm mới, tôi chỉ mong các bệnh nhân được điều trị thành công, sớm về với gia đình và sống thật vui vẻ, hạnh phúc” - chị nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm