Đến Huế ngắm rồng - phượng trên bảo vật triều Nguyễn

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và 15 năm nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể đại diện của nhân loại. Sáng 7-9, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức khai mạc triển lãm “Rồng - Phượng trên bảo vật triều Nguyễn”.

Dưới thời quân chủ, rồng và phượng là những hình ảnh biểu trưng cho địa vị vương giả và sự quyền quý. Những vật dụng trang trí hình rồng, phượng không chỉ là những vật dụng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tinh thần hay cuộc sống vật chất, mà còn là những biểu tượng thể hiện danh phận, quyền uy và sự cao quý của người sử dụng.

Triển lãm “Rồng - Phượng trên bảo vật triều Nguyễn” tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế gồm hơn 80 hiện vật là những vật dụng dùng trong đời sống sinh hoạt, lễ nghi cung đình triều Nguyễn, được làm từ các chất liệu quý hiếm như: vàng, bạc, đá quý, ngọc, đồi mồi,...

Các hiện vật được chia thành bốn nhóm: Hiện vật biểu trưng quyền lực, đồ thờ tự và nghi lễ, văn phòng tứ bảo, đồ sinh hoạt.

Đây là những báu vật vô giá không chỉ chứa đựng những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của một thời đại mà còn phản ánh tài năng và sự sáng tạo của các nghệ nhân Việt Nam.

Kim ấn thời Nguyễn.

Hộp trầu bằng vàng, vật dụng của nhà vua trong hoàng cung Huế.

Kim sách được làm bằng vàng, niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845). Sách khắc văn lời tựa và quy định riêng của vua Thiệu Trị về sách đặt tên cho con cháu nhà vua theo Đế Hệ Thi (bài thơ của vua Minh Mạng quy định cách đặt tên cho các đời vua sau) và Phiên Hệ Thi (bài thơ của vua Minh Mạng quy định cách đặt tên cho anh em, con cháu của nhà vua).

Nhiều đồ dùng sử dụng trong sinh hoạt của triều Nguyễn được trưng bày tại triển lãm.

Triển lãm diễn ra từ ngày 7-9 đến 5-12-2018 tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế (số 3 Lê Trực, TP Huế).

Sáng cùng ngày, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức trưng bày giới thiệu dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung”. Dự án đã được UBND tỉnh vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án đầu tư tại Quyết định số 1649/QĐ-UBND ngày 27-7-2018.

Tổng vốn dự án là trên 123 tỉ đồng. Trong đó, trên 95 tỉ đồng để thực hiện tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Kiến Trung và đầu tư một số hạ tầng kỹ thuật như hệ thống phòng chống chữa cháy, thiết bị nội thất công trình và chống sét công trình; dự phòng phí hơn 25 tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư thuộc chương trình mục tiêu phát triển văn hóa và các nguồn huy động khác. Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế là đơn vị được giao tổ chức thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm