Việc Ấn Độ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga thông qua thỏa thuận trị giá 5,43 tỉ USD được ký hồi năm ngoái đã làm Pakistan nổi giận.
Ngoại trưởng Pakistan Shah Mohammed Qureshi mô tả hệ thống S-400 là hệ thống vũ khí gây bất ổn, có thể ảnh hưởng tới sự ổn định chiến lược trong khu vực. Dự kiến, tổ hợp S-400 đầu tiên sẽ được giao cho Ấn Độ trong năm 2020.
Một vụ thử nghiệm hệ thống S-400 Triumf ở trường bắn Ashuluk, vùng Astrakhan trong cuộc tập trận chiến thuật của Lực lượng phòng thủ vũ trụ Nga. Ảnh: SPUTNIK
Theo hãng tin Sputnik, bày tỏ lo ngại về thương vụ mua S-400 từ Nga của Ấn Độ, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mohammed Qureshi kêu gọi các cường quốc toàn cầu nên lưu tâm tới trách nhiệm của họ trong việc cung cấp vũ khí của họ cho khu vực.
“Việc trình làng các hệ thống vũ khí gây bất ổn như hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 có thể gia tăng thách thức cho sự ổn định chiến lược. Các hệ thống này có thể khuyến khích đối phương gây ra rủi ro dựa trên niềm tin an ninh sai lầm”, ông Qureshi nói.
Tháng 10 năm ngoái, Ấn Độ ký một thỏa thuận quốc phòng mua năm tổ hợp phòng không S-400 từ Nga trị giá 5,43 tỉ USD bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Pakistan ngay lập tức phản ứng bằng tuyên bố thương vụ này “là một phần nỗ lực của Ấn Độ mua sắm hệ thống Phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) thông qua nhiều nguồn cung cấp”, thêm rằng động thái này có thể gây bất ổn cho sự ổn định chiến lược ở Nam Á.
Ấn Độ phủ nhận cáo buộc, cho rằng việc mua S-400 là cần thiết cho an ninh quốc gia nước này.
Pakistan được cho đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không LY-80 do Trung Quốc sản xuất ở khu vực tranh chấp Kashmir. Ảnh: Denfense News
Ông Qureshi cho rằng việc New Delhi mua ồ ạt các vũ khí thông thường cùng với các học thuyết quân sự như Cold Start (Khởi đầu lanh), mở rộng khí tài chiến lược trong đó có tàu ngầm hạt nhân là những diễn biến có ý nghĩa an ninh nghiêm trọng đối với Pakistan và khu vực.
Ngoại trưởng Pakistan cũng nhắc tới vụ thử tên lửa chống vệ tinh của Ấn Độ hôm 27-3. Ông cho rằng vụ thử gây lo ngại ở Islamabad. Ông Qureshi cảnh báo cộng đồng quốc tế không nhượng bộ và chia sẻ công nghệ cao với Ấn Độ.
Ông Qureshi hối thúc các cường quốc toàn cầu chú ý khi thỏa thuận với các quốc gia khác trong khu vực vì sự ổn định chiến lược của Nam Á bị tác động không chỉ bởi những diễn biến trong khu vực mà còn do cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế.
Xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ nóng lên sau vụ tấn công khủng bố ở Pulwama thuộc bang Kashmir phía Ấn Độ kiểm soát, khiến hơn 40 binh sĩ nước này thiệt mạng hôm 14-2. Ngày 26-2, Không quân Ấn Độ không kích vào trại khủng bố ở Balakot, thuộc bang Kashmir phía Pakistan kiểm soát để trả đũa vụ đánh bom 14-2. Căng thẳng đẩy lên tầm mới vào ngày 27-2 khi không quân hai nước tiến hành không chiến lẫn nhau, lần đầu tiên trong năm thập niên.
Pakistan tuyên bố bắn hạ hai chiến đấu cơ của Ấn Độ, tuy nhiên New Delhi phủ nhận, nói rằng nước này mất một chiếc, còn chiếc thứ hai bị bắn rơi là chiếc F-16 của không quân Pakistan.
Hệ thống phòng không S-300 phóng tên lửa trong cuộc tập trận quân đội Hy Lạp tháng 12-2013. Ảnh: GETTY
Theo trang tin Defense News, Pakistan sau đó được cho đã triển khai hệ thống phòng không tầm trung LY-80/HQ-16 do Trung Quốc sản xuất ở Kashmir nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ xâm phạm không phận của Ấn Độ.
Pakistan trước đó cũng bày tỏ quan tâm tới hệ thống tên lửa đất đối không S-300 của Nga, song cựu tùy viên quốc phòng Úc tại Islamabad Brian Cloughley cho rằng thỏa thuận này có thể bị cản trở bởi mối quan hệ quốc phòng giữa Nga và Ấn Độ.
“Vì Ấn Độ đang xúc tiến mua S-400, tôi nghi ngờ việc Nga sẽ cung cấp hệ thống tên lửa đất đối không cho Pakistan”, ông nói.
Thay vào đó, Pakistan có thể xem xét lại mối quan tâm trước đó – hệ thống HQ-9 của Trung Quốc. Mặc dù giá cả của HQ-9 phải chăng hơn, nhưng vấn đề ở chỗ liệu các biến thể của HQ-9 có được khả năng giống phiên bản mới nhất của S-300 hay không.
Trước Pakistan, Mỹ từng nhiều lần khẳng định việc Ấn Độ mua S-400 có thể làm ảnh hưởng tới kế hoạch chuyển giao công nghệ quốc phòng của Washington cho New Delhi trong thời gian tới. Lầu Năm Góc lo ngại hợp đồng S-400 giữa Nga và Ấn Độ sẽ tác động tiêu cực tới các thương vụ xuất khẩu máy bay không người lái và tên lửa phòng không Patriot của Mỹ ra nước ngoài.
Mỹ cũng đang tìm cách thuyết phục Ấn Độ từ bỏ thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, cảnh báo sẽ áp trừng phạt nếu nước này hoàn tất thỏa thuận.
Giới chức Ấn Độ cho rằng việc tăng cường năng lực phòng không bằng hệ thống S-400 là cần thiết, trong bối cảnh không quân Trung Quốc và Pakistan ngày càng được trang bị những vũ khí hiện đại.