Đi 4 phương “tìm” trẻ mổ tim miễn phí

(PLO)- Các bác sĩ tim mạch nhi hàng đầu của TP.HCM đã tìm đến vùng sâu, vùng xa khám tầm soát, sau đó đưa những trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh về TP chữa trị miễn phí.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bé Hoàng Lê Nhật Vy (chín tuổi, ngụ Phú Yên) được chẩn đoán có vấn đề về tim mạch khi thăm khám trước tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 5-2022.

BS Đỗ Nguyên Tín đang tư vấn khám tầm soát tim miễn phí cho trẻ. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

BS Đỗ Nguyên Tín đang tư vấn khám tầm soát tim miễn phí cho trẻ. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Mừng rơi nước mắt vì con được mổ tim miễn phí

Chị Lê Thị Thanh Mai (48 tuổi, mẹ bé Vy) kể khi biết tin này, chị lo lắng đưa con đi TP.HCM khám. Bác sĩ (BS) chẩn đoán bé Vy bị bệnh tim bẩm sinh, phẫu thuật càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, với thu nhập từ làm nông chỉ đủ sống, vợ chồng chị chưa thể chữa trị cho con.

Cuối tháng 2-2023, biết có đoàn BS về Phú Yên khám tầm soát bệnh tim miễn phí, chị Mai đưa con đến kiểm tra. BS nói bé Vy bị thông liên thất, cần được can thiệp đóng lỗ thông.

“Khi nghe con được chữa bệnh miễn phí, tôi mừng rơi nước mắt. Hè rồi, BS báo gia đình đưa con vào BV Nhi đồng 1 ở TP.HCM để can thiệp. Con đã mổ tim, sức khỏe hồi phục tốt. Tôi cảm ơn các BS nhiều lắm!” - chị Mai xúc động.

“Tôi vác máy đi khắp nơi, đầu tiên là đến chùa, trại trẻ mồ côi, rồi những nơi xa xôi ở miền núi để tầm soát cho các bé.”

Bé Huỳnh Tấn Đạt (chín tuổi, ngụ Phú Yên) cũng phát hiện bị thông liên thất trong đợt khám tầm soát của Liên chi hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP.HCM vào cuối tháng 2-2023.

Đưa Đạt vào TP.HCM điều trị, dì ruột của bé là bà Huỳnh Thị Minh Hải (50 tuổi) chia sẻ cha mẹ Đạt đều là người yếu thế (mẹ bị khờ, cha bị gù kèm mắt kém) nên bà lãnh trách nhiệm đưa cháu đi. Hành lý của hai dì cháu vỏn vẹn vài bộ đồ cũ và 700.000 đồng được người nhà gom góp.

“May mắn, một nhà hảo tâm của chương trình đã tài trợ chi phí đi lại và ăn ở cho hai dì cháu. Đạt vừa được phẫu thuật tim tại BV Nhi đồng 1 hồi tháng 7, sức khỏe của cháu ổn định. Gia đình rất cảm ơn chương trình vì nếu không được mổ kịp thời, không biết tương lai của cháu sẽ ra sao” - bà Hải rưng rưng.

11.000

trẻ tại chín tỉnh đã được Liên chi hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP.HCM khám tầm soát từ đầu năm 2022 đến nay. Qua đó, phát hiện 225 trẻ có dị tật tim bẩm sinh, can thiệp cho 138 trẻ, số còn lại tiếp tục theo dõi, sẽ điều trị vào thời điểm thích hợp.

Lòng tốt như mạch nước ngầm, nuôi dưỡng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hy vọng các BS tham gia chương trình sẽ phát huy tinh thần dấn thân, giúp ngày càng nhiều trẻ em vùng sâu, vùng xa được chữa lành căn bệnh tim bẩm sinh.

BS ĐỖ NGUYÊN TÍN,
Chủ tịch Liên chi hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP.HCM

Xách máy siêu âm đi kiếm bệnh nhân

BS Đỗ Nguyên Tín, Chủ tịch Liên chi hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP.HCM, Trưởng Đơn vị can thiệp tim mạch BV Nhi đồng 1, kể về những ngày đầu “lang thang” tầm soát tim miễn phí cho trẻ em với rất nhiều cảm xúc, kỷ niệm đáng nhớ.

“Ngày đó, “đạo cụ hành nghề” của tôi là một máy siêu âm xách tay mua bằng tiền túi. Mình tôi vác máy đi khắp nơi, đầu tiên là tìm đến chùa, trại trẻ mồ côi, rồi những nơi xa xôi ở miền núi để tầm soát cho các bé. Hành trình ấy đến giờ thấm thoát đã 10 năm” - BS Tín nhớ lại.

BS Tín kể có lần đoàn BS đến một huyện miền núi, gặp bé trai cõng em đi 10 km từ nhà đến điểm khám. “Tôi nhớ mãi khuôn mặt và ánh mắt hạnh phúc của hai anh em khi được khám và nhận quà. Có lẽ đây là một trong những động lực lớn giúp chúng tôi vượt qua nhiều khó khăn” - BS Tín tâm sự.

Dần dần chương trình được nhiều BS trẻ và tình nguyện viên tham gia. Số trẻ được khám tăng lên, hiện mỗi đợt khám được cho khoảng 2.000 em.

“Thường một BS siêu âm khoảng 20 ca/ngày tại BV nhưng khi tham gia chương trình, BS phải siêu âm 200-300 ca. Nếu không có các BS trẻ đồng hành, liên chi hội sẽ không làm nổi” - BS Tín chia sẻ.

BS Tín cho biết thêm mỗi đợt khám tầm soát cần 5-7 máy siêu âm nhưng hiện liên chi hội chỉ có một máy, còn lại phải đi mượn khắp nơi. Sau khi tầm soát, nếu phát hiện trẻ bị bệnh có hoàn cảnh khó khăn, liên chi hội sẽ vận động mạnh thường quân hỗ trợ đi lại, ăn ở và điều trị.

“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để duy trì hoạt động này càng lâu càng tốt. Riêng tôi, còn sức sẽ còn đi, tương lai nếu không thể đi hết các chuyến, tôi mong các BS trẻ sẽ tiếp nối mình” - BS Tín trải lòng.•

BS Lê Nguyễn Phú Quý cùng êkíp thực hiện can thiệp tim cho bệnh nhi Hoàng Lê Nhật Vy. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

BS Lê Nguyễn Phú Quý cùng êkíp thực hiện can thiệp tim cho bệnh nhi Hoàng Lê Nhật Vy. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Theo dõi bệnh sau can thiệp rất quan trọng

Ở một số trường hợp, dù bệnh tim đã được can thiệp nhưng cấu trúc tim chưa hoàn chỉnh, cần phải can thiệp và theo dõi tiếp. Nếu bỏ theo dõi thời gian dài, bệnh tái phát nặng hơn.

Do đó, các BS cần giải thích rõ cho bệnh nhân hiểu tầm quan trọng của việc theo dõi bệnh sau can thiệp. Hướng dẫn bệnh nhân cách theo dõi cũng như nhớ tái khám đúng hẹn để nếu có bất thường sẽ kịp thời được phát hiện và điều trị.

BS LÊ NGUYỄN PHÚ QUÝ, khoa Tim mạch BV Nhi đồng 1

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm