Bất đồng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama ngày 25-6 dường như lên đến đỉnh điểm khi hai ông công khai chỉ trích nhau quanh chuyện chương trình bảo hiểm y tế Obamacare.
Trên Facebook cá nhân, ông Obama nói các nội dung trong dự luật thay thế Obamacare của đảng Cộng hòa “chuyển quyền lợi của tầng lớp bình dân và các gia đình nghèo sang giới giàu có”. Theo ông, “một chút chỉnh sửa trong vòng hai tuần tới - để các dự luật dễ chấp nhận và dễ thông qua hơn - không thể thay đổi tính bủn xỉn cơ bản trong bản chất dự luật này”. Ông Trump phản pháo rằng chính phủ đang đấu tranh vì một dự luật bảo hiểm y tế “đầy sự rộng lượng của trái tim”.
Việc ông Obama lên Facebook công kích ông Trump quanh Obamacare là một ngoại lệ hiếm hoi. Sau khi rời Nhà Trắng, ông Obama hầu như không đả động gì đến công cuộc “đập phá” không thương tiếc của ông Trump với các di sản của mình.
Di sản Obama lần lượt ra đi
Có thể thấy những quyết sách nổi bật của ông Trump từ đầu năm đến nay đa phần nhắm vào các di sản của người tiền nhiệm Obama: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nỗ lực bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba, bảo hiểm y tế Obamacare… Chỉ có mỗi di sản đối ngoại lớn nhất của ông Obama mà ông Trump tạm thời chưa động tới là thỏa thuận hạt nhân với Iran nhưng cũng không chắc sẽ được để yên.
Bất kỳ tổng thống mới nào cũng sẽ có những thay đổi chính sách so với người tiền nhiệm, đặc biệt nếu người tiền nhiệm đó thuộc một đảng phái khác. Tuy nhiên, hiếm có tổng thống nào “chuyên tâm” như ông Trump không những trong việc lèo lái đất nước sang con đường khác hẳn mà còn dốc sức đập bỏ các di sản của người tiền nhiệm, theo The New York Times.
“Tôi đã kiểm lại. Rõ ràng không có tổng thống nào khác trong lịch sử Mỹ những năm gần đây quá chuyên tâm đảo ngược những di sản của người tiền nhiệm (như ông Trump)” - theo sử gia các đời tổng thống Russell Riley, ĐH Virginia (Mỹ). Dường như không cần biết là lợi hại chính trị hay bất đồng tư tưởng, bất cứ chính sách nào có dính dáng đến ông Obama là Tổng thống Trump xác định phải loại bỏ, theo The New York Times.
Theo sử gia Riley, trong khi các tổng thống khác chú tâm vào việc mình sẽ làm gì thì có lẽ “vị tổng thống này khác hẳn, thích thú hơn nhiều với việc đập phá hơn là xây dựng”. Cùng suy nghĩ này là nhà phân tích Shirley Anne Warshaw, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền lãnh đạo tổng thống Fielding tại ĐH Gettysburg (Mỹ). “Không phải là ông Trump đang làm các việc mà ông Obama không thể hoàn thành. Ông ấy chỉ đơn giản đảo ngược hết các chính sách của một tổng thống khác đảng phái với mình” - bà nhận định.
Cũng có những tổng thống Mỹ “tẩy xóa” di sản của người tiền nhiệm khác đảng phái, nhưng song song việc đập bỏ họ cũng giới thiệu các ý tưởng xây dựng mới. Trong khi đó, các kế hoạch của ông Trump thay thế cho TPP hay chương trình Obamacare hiện vẫn còn mù mờ và thiếu tính thực tế. Dẫu vậy các cố vấn Nhà Trắng khẳng định ông Trump không hề chủ ý phá hoại di sản Obama, mà chỉ muốn đập bỏ cái cũ không phù hợp để dọn đường xây cái mới.
Tổng thống Trump đã đưa ra nhiều quyết sách lật ngược các di sản của người tiền nhiệm (Ảnh: AP). Một phần lớn di sản của ông Obama đã bị người kế nhiệm Trump hủy bỏ. Biếm họa: NEW YORK TIMES
Lỗi tại ông Obama?
Nhiều ý kiến cho rằng một phần nguyên nhân khiến các di sản của ông Obama bị lung lay là do ông tự chuốc lấy. Vị cựu tổng thống đã thông qua nhiều quyết sách của mình quá một chiều, bất chấp phản đối từ đảng Cộng hòa và thậm chí không cần sự đồng thuận lưỡng đảng. Có thể thấy nhiều đạo luật lớn thời Obama được thông qua hầu như chỉ bằng những lá phiếu của đảng Dân chủ. Cuối năm 2014, khi đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội, ông Obama tiếp tục tận dụng các sắc lệnh hành pháp để thông qua nhiều chính sách lớn. Tuy nhiên, các sắc lệnh hành pháp này lại quá dễ dàng bị người kế nhiệm xóa bỏ.
Ngay trong kỳ bầu cử 2016, bản thân ông Obama cũng hiểu di sản của mình bị đe dọa đến mức nào. Trong quá trình vận động tranh cử cho ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, ông Obama từng cảnh báo thẳng: “Tất cả tiến bộ chúng ta đã thực hiện được tám năm qua sẽ bị ném ra cửa sổ” nếu ông Trump thắng cử. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua cho thấy người dân Mỹ đã quyết định thay thế ông Obama bằng một người khác biệt hoàn toàn. Đây là bằng chứng cho thấy ông Obama không có khả năng duy trì được sự ủng hộ số đông hay giảm nhẹ sự phân cực của nước Mỹ với chương trình hành động của mình, theo The New York Times.
Tuy nhiên, một số cựu quan chức khác nhận định ông Trump đã không hoàn toàn đảo ngược các di sản chính trị ông Obama để lại. Quan hệ Mỹ-Cuba chỉ bị siết chặt một phần. Mỹ phải mất nhiều năm mới hoàn toàn rút khỏi thỏa thuận Paris và vẫn còn cửa để người kế nhiệm ông Trump lật ngược tình thế. Tờ The New York Times dẫn lời nhiều cựu quan chức Mỹ cho rằng: Phần chịu tác động thực sự từ những hành động của ông Trump chính là danh tiếng của nước Mỹ với thế giới.
Ông Obama còn may mắn
Không ít người từng làm việc trong chính phủ Obama nhận định cựu tổng thống Mỹ vẫn còn may mắn khi người kế nhiệm ông là ông Trump chứ không phải là một nhân vật đảng Cộng hòa khác giỏi giang hơn. “Di sản ông Obama có thể bị đe dọa nhiều hơn nếu tổng thống mới là một người có năng lực hơn ông Trump. Sự thiếu kinh nghiệm, thiếu chỉn chu đã cản trở ông Trump ban hành các chính sách đảo ngược thành công di sản Obama” - cựu phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest dưới thời ông Obama nhận xét.
Ông Trump thật ra vẫn không thể đảo ngược các thành tựu quan trọng nhất của người tiền nhiệm. Những “chiến tích” như đưa kinh tế Mỹ thoát khỏi khủng hoảng, giải cứu ngành công nghiệp ô tô, chỉ đạo tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden, hay “danh hiệu” tổng thống Mỹ da màu đầu tiên của ông Obama là không thể bị xóa bỏ.
Sự nhìn nhận các tổng thống tiền nhiệm đôi khi lại được quyết định từ khác biệt của người kế nhiệm. Ông Obama giờ lại… nổi tiếng hơn lúc còn làm tổng thống, dường như vì ông Trump là một hình ảnh quá đối lập với người tiền nhiệm. Tờ The New York Times hóm hỉnh nhận xét rằng ông Trump dù có phá hủy hết di sản của người tiền nhiệm thì cũng chỉ làm lợi cho chỗ đứng của ông Obama trong dòng chảy lịch sử nước Mỹ.
Ông Richard Norton Smith - người đã chỉ đạo xây dựng các thư viện của bốn vị tổng thống Cộng hòa - cho rằng các tổng thống thường được đánh giá cao với quá trình tiến đến các mục tiêu cao cả, dẫu không đạt được các mục tiêu này trong nhiệm kỳ. “Sẽ khó có chuyện các sử gia trong tương lai lên án ông Obama vì nối lại quan hệ với Cuba, hay đưa Mỹ tham gia thế giới văn minh với các hoạt động chống biến đổi khí hậu, thông qua luật bảo hiểm y tế nhân đạo hơn, dễ tiếp cận hơn” - ông Smith nhận định.
Không “chuyên tâm” như ông Trump nhưng nhiều tổng thống Mỹ trước cũng vào cuộc phá bỏ di sản người tiền nhiệm, đặc biệt nếu khác đảng phái. Các tân tổng thống Mỹ thường dùng một, hai ngày đầu sau nhậm chức ký các sắc lệnh đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm. Tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan ra luật các tổ chức phi chính phủ quốc tế dùng tiền tài trợ của Mỹ thúc đẩy phá thai. Tổng thống Dân chủ Clinton lại tiếp tục hủy bỏ. Tổng thống Cộng hòa George W. Bush ra các quyết sách đi ngược lại những điều người tiền nhiệm đảng Dân chủ Bill Clinton đã làm. Tổng thống Obama nhiều năm trời đổ lỗi ông Bush vì các khủng hoảng kinh tế và an ninh quốc gia. |