Thông tin trên được TS Shane Fairlie, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chia sẻ tại Lễ phát động Chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới với chủ đề “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh” do Bộ Y tế tổ chức chiều 12-9.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương kêu gọi các Bộ, Ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người dân hãy cùng nhau hành động, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân, tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch: Khẩu trang, khử khuẩn, vaccine, thuốc, điều trị, công nghệ và các biện pháp theo hướng dẫn của cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền tại trung ương và địa phương.
Bộ Y tế kêu gọi người dân trên khắp miền tổ quốc cùng đoàn kết, chung sức nâng cao ý thức phòng bệnh, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe của cá nhân, gia đình và toàn thể xã hội.
TS Shane Fairlie, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. Ảnh: NL |
TS Shane Fairlie, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhận định: "Dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Do đó, tại Việt Nam vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó, tiêm bao phủ vaccine và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân vẫn là những giải pháp quan trọng và cần thiết".
Thông tin với báo chí bên lề Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: “Bộ Y tế đã chuyển thông điệp phòng chống dịch COVID-19 từ từ 5K sang 2K, thời gian qua, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, do đó chúng ta chuyển hướng sang kiểm soát an toàn, linh hoạt và hiệu quả dịch COVID-19 và dần nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, theo WHO, dịch COVID-19 chưa kết thúc và xuất hiện các biến chủng mới, vì vậy, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và tiêm vaccine, đây là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khoẻ của người dân”.
Bà Hương nhấn mạnh: 5K sang 2K dù không hạn chế tụ tập nhưng chúng ta vẫn giữ lại biện pháp đeo khẩu trang và khử khuẩn để bảo đảm công tác phòng dịch hiệu quả.
“Việc đưa ra khuyến cáo phòng chống dịch căn cứ vào thực tế và kinh nghiệm hơn 2 năm chống dịch và diễn biến tình hình dịch, phù hợp với việc mở cửa và phục hồi phát triển kinh tế. Ngoài ra, căn cứ theo khuyến cáo của WHO, chúng tôi cũng đã xin ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước, các bộ, ngành, địa phương, các ý kiến đều thống nhất áp dụng biện pháp 2K + vaccine + thuốc + công nghệ và các biện pháp khác…” – bà Hương nói.
Thông tin về kịch bản phòng chống dịch trong giai đoạn mới, bà Hương cho biết sẽ có những thay đổi, Bộ Y tế đang xây dựng theo hai tình huống:
-Tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, không xuất hiện các biến chủng mới hoặc biến chủng mới không gây ra tác động nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân và cộng đồng, sẽ thực hiện các biện pháp như hiện nay.
- Khi dịch bùng phát diện rộng, vượt quá tầm kiểm soát của hệ thống y tế cũng như các hệ thống khác và ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế xã hội, với sự xuất hiện các biến chủng mới khiến dịch bệnh lây lan, sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn theo cấp độ 3 và 4.
Chiến dịch diễn ra từ ngày 12/9/2022 - 31/10/2022, với nhiều hoạt động truyền thông tại trung ương và địa phương. Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và các đối tác, đơn vị để triển khai nhiều nội dung hoạt động truyền thông phong phú và hiện đại trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến, hướng đến tất cả các nhóm đối tượng trong cộng đồng xã hội.