Dịch COVID-19: Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương là điểm nóng

Chiều 1-2, Bộ Y tế cho biết Việt Nam ghi nhận thêm 31 ca COVID-19, trong đó có 30 ca lây nhiễm cộng đồng gồm Hải Dương (17), Quảng Ninh (5), Hà Nội (4), Gia Lai (2), Bắc Giang (1), Bình Dương (1).

Hà Nội 19 ca cộng đồng, có ca “siêu lây nhiễm”

Thông tin cập nhật từ Sở Y tế TP Hà Nội, hai trong số bốn ca nhiễm cộng đồng là bố, mẹ của bệnh nhân (BN) 1725 (ca bệnh thứ 16 và 17), cùng trú tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Như vậy, lũy tích đợt 4 (từ ngày 27-1 đến nay), Hà Nội ghi nhận 19 ca mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, trước mắt cơ quan chức năng sẽ phong tỏa ngay thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, nơi gia đình bệnh nhân sinh sống.

Đến nay BN1694 đã làm lây ra 8 F1 và 4 F2 tại Hà Nội và là ca “siêu lây nhiễm” nhất trong đợt dịch này.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hà Nội, nếu không sớm phát hiện được hết các trường hợp F0, để lọt một trường hợp thì từ nay đến ngày 7-2 có thể sẽ có tới hàng trăm F0 ngoài cộng đồng.

Gia Lai 6 ca, tỉnh khẩn cấp dập dịch

Ngày 1-2, ngành chức năng tỉnh Gia Lai cho biết đã ghi nhận thêm hai trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tại Gia Lai đã có ba ổ dịch thuộc các huyện Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa với tổng cộng sáu ca nhiễm cộng đồng.

Tỉnh đã khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm nhằm khống chế sự lây lan của dịch.

Trước đó, sau khi ghi nhận ca dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu phong tỏa thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa với hơn 100.000 dân. Trường học trên địa bàn cũng cho học sinh nghỉ học.

Trong ngày 31-1, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Gia Lai họp bàn với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và các địa phương về phương án khoanh vùng, dập dịch. Theo đó, sẽ thành lập các tổ phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu dân cư, tổ dân phố.

Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai ghi nhận trong số các ca mắc COVID-19 có trường hợp về từ Hải Dương.

Gia Lai cấp thiết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như truy vết khẩn cấp F1, F2, F3 và lập các điểm chốt chặn để khoanh vùng dịch…

Cơ quan chức năng khẩn trương phun thuốc khử trùng, đồng thời tiến hành khoanh vùng dập dịch tại Gia Lai. Ảnh: MM

Bệnh nhân Hải Dương tại TP.HCM nhiễm biến thể nCoV Anh

Chiều 1-2, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM công bố kết quả giải trình tự gene BN1660, 28 tuổi, nhiễm biến thể nCoV từ Anh.

BN1660 có địa chỉ tại tỉnh Hải Dương, đến TP.HCM vào ngày 28-1. Trước đó, người này tiếp xúc với BN1612 - ca nhiễm tại ổ dịch TP Chí Linh, Hải Dương. BN1660 là bệnh nhân đầu tiên tại TP.HCM liên quan đợt dịch từ Hải Dương, Quảng Ninh. 

Hơn 300 sinh viên ĐH Thủ Dầu Một phải đi cách ly tập trung

Đến chiều 1-2, tại Bình Dương, hơn 300 sinh viên được đưa đi cách ly tập trung vì có tiếp xúc với nữ sinh viên NTMA (18 tuổi, sinh viên lớp sư phạm tiểu học D20 GDTH01 Trường ĐH Thủ Dầu Một).

Đại diện ĐH Thủ Dầu Một cho biết hiện tại đã có 269 sinh viên được đưa đến các nơi cách ly tập trung trên địa bàn Bình Dương để lấy mẫu xét nghiệm và cách ly theo quy định. Trong tối nay sẽ có gần 70 sinh viên nữa được ba ô tô tiếp tục đưa đi cách ly.

Nữ sinh viên NTMA có nhà ở gần nhà bà NTP (45 tuổi, HKTT tại ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo) là người dương tính với COVID-19 đầu tiên tại Bình Dương.

Khi nữ sinh viên NTMA có kết quả dương tính với COVID-19, toàn bộ khu phố 5 (trong đó có ĐH Thủ Dầu Một) và khu nhà trọ nơi nữ sinh này ở đã bị phong tỏa từ 0 giờ ngày 1-2.

Ngoài ra, với lịch trình di chuyển nhiều nơi của nữ sinh viên này, ngành chức năng tỉnh Bình Dương đang nỗ lực truy vết, xét nghiệm trên diện rộng để hạn chế sự lây lan, không để dịch bệnh bùng phát.

Cấp phép vaccine COVID-19 đầu tiên lưu hành tại Việt Nam

Cùng ngày 1-2, Bộ Y tế đã ra Quyết định 983/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho vaccine AstraZeneca.

Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý dược có trách nhiệm: Cấp phép nhập khẩu vaccine COVID-19 Vaccine AstraZeneca theo quy định tại Điều 67 Nghị định 54/2017/NĐ-CP khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vaccine nhập khẩu.

Cục Khoa học công nghệ và đào tạo có trách nhiệm làm đầu mối triển khai đánh giá lâm sàng tại Việt Nam về tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine COVID-19 Vaccine AstraZeneca.

Cục Y tế dự phòng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tiêm chủng và tổ chức triển khai, hướng dẫn tiêm chủng, giám sát trong quá trình tiêm chủng, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng và tổ chức việc báo cáo, tổng hợp thông tin, dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 Vaccine AstraZeneca.

“Chu kỳ lây nhiễm trước đây 4-5 ngày, nay chỉ 1-2 ngày”

Chiều 1-2, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đánh giá về tình hình dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết các trường hợp lây nhiễm hiện nay đều rất nhanh, có trường hợp tiếp xúc ngắn nhưng đã dương tính. Các trường hợp mắc của Hà Nội đều liên quan đến nguồn lây từ Hải Dương.

Còn bộ trưởng Bộ Y tế thì nhận định tình hình hiện nay khó khăn, phức tạp hơn và khác hẳn trường hợp Đà Nẵng do tốc độ lây nhiễm cao. Chu kỳ lây nhiễm của virus trước đây 4-5 ngày nhưng hiện nay chỉ 1-2 ngày. “Nguy cơ rất cao nên chúng ta phải có hành động quyết liệt và phải rất nhanh” - bộ trưởng Bộ Y tế nói. TRỌNG PHÚ


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm