Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, nhận xét so với đề năm 2017, đề toán năm nay khó hơn và tính phân hóa cao hơn, lượng câu hỏi khó nhiều hơn. Chính vì vậy, lượng điểm cao sẽ không nhiều, để đạt được điểm 8, 9, 10 thì các em phải thực sự giỏi.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. ẢNH: HOÀNG GIANG
Cũng theo ông Sơn, do 25 câu đầu là những câu cơ bản cho nên ngưỡng điểm phổ biến chủ yếu 5-6 điểm. Mặt khác, các môn trong bài thi tổ hợp KHTN cũng được thí sinh đánh giá khá dài và khó hơn năm ngoái. “Vì thế, năm nay lượng thí sinh đạt được các môn từ điểm 8 trở lên sẽ ít hơn năm 2017. Cho nên, đối với các trường năm ngoái có điểm trúng tuyển từ 24 điểm trở lên có khả năng năm nay sẽ giảm, tuy nhiên mức giảm sẽ không nhiều, giảm khoảng 2 điểm”, ông Sơn bày tỏ.
Ông Sơn cho biết thêm, năm nay những trường, những tổ hợp lấy ngưỡng điểm tầm khoảng 23, 24 trở lên sẽ thay đổi so với năm trước. Còn đối với nhóm điểm nằm ở khoảng 23 sẽ không giảm vì lượng thí sinh đạt được mức điểm đó ở mức phổ biến. Cho nên những trường có mức tuyển các ngành dưới 22 điểm sẽ không thay đổi so với năm 2017.
Ông Sơn chia sẻ thêm, căn cứ vào lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, do trường phần lớn nằm ở ngưỡng 23 đổ lại sẽ không thay đổi. Nhóm có khả năng thay đổi là nhóm khối ngành Kinh tế vì có xét tuyển D1. Khối này theo như nhiều thí sinh đánh giá không quá khó cho nên điểm của khối này sẽ kéo điểm của khối ngành Kinh tế tăng lên. Năm ngoái, nhóm ngành kinh tế dao động 18 đến 20 điểm, năm nay nếu tăng thì sẽ tăng khoảng 1 điểm. Còn một số ngành vật liệu, môi trường, thủy sản thì mức điểm sẽ gần với điểm sàn xét tuyển của trường cho nên sẽ ở mức 16, 17 điểm.
Cùng quan điểm, ThS toán Ngô Thiện, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Trần Nhân Tông, TP.HCM, cho hay năm nay các môn toán, lý, hóa, sinh do đề khó nên điểm 9, 10 sẽ giảm nhiều so với năm ngoái. Mặt khác, năm ngoái học sinh khá có thể lấy được 8 điểm. Thế nhưng năm nay những học sinh đó chỉ có thể lấy 5-6 điểm. “Vì thế, theo tôi năm nay điểm chuẩn của các trường tốp trên sẽ giảm xuống từ 1,5 đến 2 điểm thậm chí có thể giảm hơn nữa”, ông Thiện nhấn mạnh.
Dự kiến ngày 11-7 công bố kết quả thi Sở huy động khoảng 700 giáo viên đang giảng dạy ngữ văn lớp 12 tham gia vào việc chấm bài thi bắt đầu từ ngày 30-6. Dự kiến việc chấm thi thực hiện trong vòng một tuần và ngày 11-7 công bố kết quả thi. Đề thi năm nay phục vụ cho 2 mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét đại học. Cho nên, đề thi ở các môn có sự phân hóa cao như thế cũng khá hợp lý. Trong đề thi, số câu hỏi để đạt được mức độ thông hiểu, nhận biết bình thường khoảng 60%, 20% câu hỏi ở mức vận dụng thấp, 20% câu hỏi ở mức vận dụng cao với mục đích phân hóa các thí sinh để xét tuyển vào các trường đại học. Đề thi đã được Bộ GD&ĐT công bố từ sớm với những nội dung thi cũng như hình thức thi. Vì thế, độ khó dễ là tùy vào năng lực học tập của các em học sinh. Riêng đề toán năm nay có một số câu rất khó và dài đòi hỏi học sinh phải giải như một bài tự luận thì mới có kết quả để mà đối chiếu và chọn đúng đáp án. Những câu hỏi này đòi hỏi các em phải có sự rèn luyện và thực hành những dạng bài toán như thế nhiều mới có thể làm tốt được. Năm nay dự kiến sẽ có rất ít điểm 10 môn toán. Qua kỳ thi này, các trường THPT sẽ rút kinh nghiệm qua đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT cũng như đề thi vừa diễn ra. Đối với trình độ học sinh cũng như mục tiêu của các em khác nhau thì thầy cô phải có sự định hướng rõ ràng. Nếu muốn vào các trường đại học tốp đầu, bản thân các em phải được tập trung rèn luyện ngay từ đầu. Năm tới, theo tinh thần của các thông tư quy định của Bộ GD&ĐT, đề thi sẽ là toàn cấp THPT tức là kiến thức sẽ rải đều lớp 10, 11 và 12. Do đó, việc dạy và học phải được lên kế hoạch rất sớm để các em vừa học chương trình mới, vừa có thời gian củng cố, ôn tập kiến thức lớp 10, 11 để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sắp tới. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |