Điện lực TP.HCM nói gì về việc hoá đơn tiền điện bất ngờ tăng cao?

(PLO)- Hiện có khoảng 400.000 khách hàng sử dụng điện ở TP.HCM đang được thay đổi ngày ghi chỉ số điện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày vừa qua, nhiều người dân ở TP.HCM phản ánh về việc hóa đơn điện tháng 8-2023 bất ngờ tăng cao, thậm chí tăng gấp đôi.

Về vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã có trao đổi với ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC).

Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Tiến

Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Tiến

.Thưa ông, vì sao ngành điện TP.HCM thay đổi ngày ghi chỉ số điện như hiện nay? Khách hàng có bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi chỉ số điện?

+ Ông Bùi Trung Kiên: Mục tiêu đầu tiên, EVNHCMC mong muốn trở thành doanh nghiệp chuyển đổi số, vì vậy EVNHCM đã thay thế các công tơ đo xa có chức năng thu thập dữ liệu từ xa. Từ công tơ đo xa này, ngành điện có thể đo đếm lượng điện tiêu thụ từ xa, mặt khác khách hàng sử dụng điện có thể theo dõi lượng điện tiêu thụ hàng ngày, hàng tháng.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi ngày ghi điện về cuối tháng sẽ tạo thuận lợi cho ngành điện và khách hàng. Ví dụ, khách hàng dễ nhớ ngày thanh toán tiền điện, thay vì trước đó ngành điện ghi điện rải rác các ngày trong tháng. Bên cạnh đó, nhà trọ ở TP.HCM cũng dễ dàng tính toán tiền điện hơn so với trước đây.

Khách hàng tải ứng dụng CSKH EVNHCMC để theo dõi lượng điện tiêu thụ hàng ngày và thông báo từ ngành điện. Ảnh: ĐT

Khách hàng tải ứng dụng CSKH EVNHCMC để theo dõi lượng điện tiêu thụ hàng ngày và thông báo từ ngành điện. Ảnh: ĐT

Việc ghi điện về cuối tháng có thể gây bất tiện cho khách hàng vì số tiền tăng lên. Nguyên nhân là do số ngày ngày sử dụng điện nhiều hơn, tuy nhiên ngành điện TP.HCM cũng tính toán định mức phù hợp với ngày sử dụng điện tỉ lệ với ngày tăng lên.

Do đó, với cách tính như hiện nay thì số tiền đó sẽ tương ứng với lượng điện khách hàng sử dụng hàng ngày.

Chúng tôi khẳng định việc tính toán này hoàn toàn không ảnh hưởng đến đến bậc thang của giá điện.

. Một số khách hàng cho biết dù không thay đổi ngày ghi chỉ số điện, song tiền điện tăng cao, ông lý giải như thế nào về vấn đề này?

+ Trong tháng 7 và 8 có một đợt nắng nóng, nhiệt độ tăng lên khoảng 33 - 34 độ. Đồng thời, dịp này cũng là mùa hè nên các em nhỏ ở nhà, vì vậy sản lượng điện tiêu thụ cũng tăng so với các tháng bình thường. Bên cạnh đó, việc giá điện tăng thêm khiến tiền điện tăng theo.

Trong đợt thay đổi ngày ghi chỉ số điện này, có khách hàng tăng thêm khoảng 13 - 14 ngày và cũng có khách hàng tăng thêm khoảng 20 ngày... tất cả phụ thuộc vào ngày ghi điện cũ.

.Hiện nay, có bao nhiêu khách hàng bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi ngày ghi chỉ số điện? Ngành điện còn có đợt thay đổi ngày ghi chỉ số điện nào nữa không, thưa ông?

+ Đợt này chúng tôi tính toán khoảng 400.000 khách hàng được thay đổi ngày ghi chỉ số điện. Đây là đợt thứ hai ngành điện TP.HCM triển khai thay đổi ngày ghi chỉ số điện. Đợt 1, EVNHCMC đã thay đổi, với tổng số là 1 triệu khách hàng. Như vậy, so với 2,6 triệu khách hàng, đến nay EVNHCMC đã đạt 60%.

Định mức điện được EVNHCMC tính toán phù hợp với ngày sử dụng điện. Ảnh: ĐÀO TRANG

Định mức điện được EVNHCMC tính toán phù hợp với ngày sử dụng điện. Ảnh: ĐÀO TRANG

Dự kiến vào tháng 9, EVNHCMC sẽ tính toán thay đổi ngày ghi chỉ số điện cho một số khách hàng đã thông báo từ trước.

Từ nay tới cuối năm 2024, ngành điện TP.HCM sẽ hoàn tất việc chuyển đổi ngày ghi chỉ số điện về cuối tháng - cùng một ngày. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ cân nhắc vào thời điểm phù hợp, không quá nắng nóng, tránh làm khách hàng bối rối như vừa rồi. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm.

Đây cũng là đợt cuối thay đổi ngày ghi chỉ số điện và sẽ không lặp lại trong tương lai (đối với những khách hàng đã thay đổi).

.EVNHCMC có thể tách hóa đơn thành 2 kỳ để “giảm tải” cho khách hàng không thưa ông?

Tôi thấy đây là một cách dễ làm, cũng không gây cảm giác khó chịu cho khách hàng khi nhận hóa đơn tiền điện.

Tuy nhiên, theo Điều 17 của Nghị định 138/2013 đối với các ngành dịch vụ như ngành điện của chúng tôi thì một năm không được phát hành quá 12 kỳ hóa đơn/năm. Trường hợp, tách hóa đơn ra làm 2 đợt, thì năm đó sẽ là có 13 kỳ hóa đơn, như vậy là vi phạm quy định.

.Có ý kiến cho rằng khách hàng không nhận được thông báo từ ngành điện, ông lý giải như thế nào về vấn đề này? Tại sao ngành điện TP.HCM không thông báo qua tin nhắn SMS?

Chúng tôi đã chuẩn bị khá kỹ về việc thay đổi này. Đầu tiên, EVNHCMC đã thông báo đến chính quyền địa phương - cơ quan sát sườn với người dân để tiến hành tuyên truyền.

Thứ hai, EVNHCMC đã thông tin tuyên truyền thông qua các kênh như zalo, qua ứng dụng CSKH EVNHCMC để truyền tải thông điệp. EVNHCMC đã thống kê và thấy rằng đa phần các khách hàng đều đều có nhận được thông tin về việc thay đổi chỉ số điện.

Trường hợp những khách hàng chưa nhận được thông tin có một vài nguyên nhân như: Chưa cài ứng dụng CSKH EVNHCMC hoặc người trả tiền điện thì lại không phải người đăng ký thừa nhận thông tin của điện lực.

Thông qua đây, chúng tôi mong muốn khách hàng sử dụng điện có thể cài đặt ứng dụng CSKH của EVNHCMC để nhận thông tin một cách chính xác và nhanh nhất hoặc theo dõi thông qua zalo để nhận thông báo.

Ngoài ra, ngành điện TP.HCM cũng đã ngưng nhắn tin thông báo cho khách hàng thông qua tin nhắn SMS từ tháng 8-2022. Đây là một chủ trương chuyển đổi số của EVNHCM.

Để phục vụ khách hàng, EVNHCMC đã xây dựng gần như là đầy đủ các tiện ích cho khách hàng một cách miễn phí như zalo, app EVHCMC. Đây cũng là một trong trong những giải pháp nhỏ để bớt được áp lực lên giá thành điện. Chúng tôi mong khách hàng sử dụng điện thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng ngành điện TP.

Xin cảm ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm