“Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng việc trang trí đèn ở đường Phạm Ngọc Thạch có nhiều màu lòe loẹt quá. Sắp tới Sở VH&TT sẽ điều chỉnh cho màu sắc nhẹ nhàng hơn, ít màu sắc lại”. Chiều tối 16-1, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM, đã trả lời Pháp Luật TP.HCM như trên.
Cầu thị, điều chỉnh thiết kế chưa đẹp
Trước đó, theo ghi nhận của PV, trên đường Phạm Ngọc Thạch và quanh hồ con rùa trang trí hoa mai vàng rực và hoa đào. Xung quanh còn có những dải màu xanh lá, xanh dương, đỏ, hồng, vàng. Vào ban đêm, các màu sắc này cùng phát sáng rực.
Bà Nguyễn Thị Mai bán trái cây khu vực hồ con rùa cho biết trên nhiều tuyến đường ở TP được trang trí cờ hoa, ánh sáng đủ màu sắc trông bắt mắt và rất đẹp. Tuy nhiên, trên đường Phạm Ngọc Thạch và xung quanh hồ con rùa có đủ loại màu sặc sỡ, dễ làm nhức mắt vào ban đêm. Ông Đặng Văn Hà (quận 12) còn cho rằng ở một số nơi, như trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa có thiết kế khó hiểu.
Họa sĩ Phan Nguyên thì nhận xét: “Ở đường Phạm Ngọc Thạch và khu vực hồ con rùa có nhiều màu sắc sặc sỡ, màu nọ không hài hòa với màu kia”.
Trả lời PV về các ý kiến trên, ông Nam cho biết đây là “con đường cho thanh niên” khi ở đó có Nhà văn hóa Thanh niên, Thành đoàn, khu vực hồ con rùa. “Đây là trục đường dành cho thanh niên nên nếu lại dùng các chi tiết búp măng, huy hiệu Đoàn như mọi năm thì không mới. Vì vậy, hội đồng nghệ thuật đã tìm ra thiết kế là những bông hoa mùa xuân đầy màu sắc, phát ra những sóng âm thành từng vệt, tỏa ra, tạo sự trẻ trung, tươi sáng, vui nhộn” - ông Nam phân tích.
Tuy vậy, trước các ý kiến góp ý, hội đồng nghệ thuật đi thẩm định và cũng nhận ra điều đó. “Không phải thiết kế nào khi thực hiện cũng phù hợp, các đơn vị cũng cầu thị và điều chỉnh chứ không đóng khung, cho rằng mình luôn đúng” - ông Nam nói thêm.
Trang trí trên đường Phạm Ngọc Thạch có nhiều màu nên sẽ được điều chỉnh cho nhẹ nhàng hơn. Ảnh: LÊ THOA
Năm sau sẽ tổ chức thi thiết kế
Theo ông Nam, việc tổ chức trang trí ánh sáng đường phố được thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP. Theo đó, từ tháng 6-2016, Sở VH&TT đã công bố rộng rãi thông tin đến các đơn vị doanh nghiệp có nhu cầu làm đẹp cho TP có khả năng kinh tế và kinh nghiệm thiết kế để mời gọi đầu tư. “Kinh phí của việc tổ chức trang trí từ nguồn xã hội hóa. Doanh nghiệp không chỉ cùng tổ chức trang trí ánh sáng đường phố mà còn đóng góp kinh phí cho lễ hội hoa xuân và nhiều lễ hội khác trong năm. Đổi lại họ sẽ được gắn logo đơn vị trên các công trình thiết kế” - ông Nam thông tin.
Ông Nam cũng khẳng định TP có lập một hội đồng nghệ thuật gồm lãnh đạo UBND TP, Ban Tuyên giáo Thành ủy, HĐND TP, lãnh đạo các Sở QH-KT, Sở GTVT cùng với các chuyên gia kiến trúc, hội họa có tên tuổi để cùng thẩm định các thiết kế do các doanh nghiệp đề xuất. Ông giải thích: “Các doanh nghiệp đề xuất 2-3 thiết kế để hội đồng lựa chọn và góp ý, điều chỉnh. Việc tổ chức thiết kế dựa trên chủ đề của từng con đường mà hội đồng đặt ra, được sự thông qua của lãnh đạo UBND TP. Chủ đề được đặt ra dựa trên đặc điểm, không gian, hoàn cảnh lịch sử, văn hóa của con đường đó”.
Tuy vậy, PV dẫn đề xuất của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn rằng “việc TP.HCM treo đèn kết hoa dù là kinh phí xã hội hóa thì cũng nên đặt yêu cầu ngày càng cao hơn về thiết kế. Để làm được thiết kế tốt nên nhờ những họa sĩ, kiến trúc sư cảnh quan có kinh nghiệm tham gia, thậm chí tổ chức những cuộc thi để tìm ra những thiết kế đạt tiêu chuẩn thẩm mỹ cao”. Ông Nam tiếp nhận và khẳng định: “Từ khoảng tháng 4, 5 năm sau, Sở VH&TT sẽ tổ chức cuộc thi thiết kế trang trí ánh sáng đường phố rộng rãi. Cuộc thi đó có thể là nguồn thiết kế để sử dụng cho nhiều lễ hội, nhiều năm sau. đối tượng dự thi là các doanh nghiệp, cá nhân, họa sĩ, kiến trúc sư… từ khắp nơi trên đất nước”.
Thay thiết kế mới trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa Ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đoạn từ Điện Biên Phủ đến Lê Lợi có sử dụng các biểu tượng tròn, vuông, tia sáng biểu trưng cho trời, đất, sự giao thoa. Đó là sự sống, là bánh giầy, bánh chưng và tia chớp. Đây là thiết kế rất lạ và mới, từ truyền thống bánh giầy, bánh chưng… rất ý nghĩa. Tuy vậy, do đây là thiết kế mang tính biểu tượng, ước lệ nên gây cảm giác khó hiểu, trừu tượng. Chúng tôi cũng rút ra kinh nghiệm là đừng dùng thiết kế trừu tượng quá mà gần gũi hơn. Vì vậy, việc trang trí ở khu vực trên sẽ được thay bằng thiết kế mới. Hội đồng nghệ thuật, lãnh đạo UBND TP đã đồng ý. Hiện đơn vị thực hiện đang trình lại thiết kế cho TP phê duyệt làm cơ sở điều chỉnh. Ông VÕ TRỌNG NAM, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM |