Video: ‘Điều dưỡng chỉ có hai bàn tay và một khối óc, không thể kham hết việc’ |
Một ngày làm việc tất bật của các điều dưỡng viên tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM), đằng sau khối lượng công việc lớn là những áp lực, cống hiến và hy sinh thầm lặng…
Luân phiên, gánh gồng công việc với nhau
Đang kiểm tra lại các vật tư y tế, chị Nguyễn Thị Kiều Mỹ - Điều dưỡng trưởng CK.I Khoa nhiễm Việt - Anh (BV Bệnh Nhiệt đới) cho biết, công việc hằng ngày của chị là đi từng phòng thăm bệnh nhân (BN). Đồng thời chị còn hỗ trợ các điều dưỡng viên để chăm sóc BN tốt nhất. Ngoài ra chị còn giám sát kỹ thuật chuyên môn và nhắc nhở những cá nhân thực hiện kĩ thuật chưa đúng.
| |
Chị Nguyễn Thị Kiều Mỹ hằng ngày đi từng phòng thăm nom bệnh nhân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Là một điều dưỡng trưởng, thời gian nghỉ ngơi của chị Mỹ không nhiều. Và không phải lúc nào chị cũng được nghỉ trưa trọn vẹn. Bởi những trường hợp cấp cứu khẩn thì không “né” giờ nghỉ trưa của nhân viên.
Chị Mỹ cho hay, có những thời điểm đỉnh dịch truyền nhiễm, bệnh tăng lên, số lượng điều dưỡng cố định của BV sẽ không đủ để đáp ứng công việc, dẫn đến quá tải. Từ đó công tác chăm sóc BN không được chu đáo.
“Trước đây điều dưỡng chúng tôi vừa chăm sóc BN vừa tranh thủ thời gian hoàn thành công việc hồ sơ bệnh án. Nhưng đối với tình trạng thiếu nhân lực hiện nay, ngoài thời gian chăm sóc BN, sau khi hết ca chúng tôi phải ở lại thêm 1 - 2 tiếng để hoàn tất các thủ tục còn lại. Có nhiều đồng nghiệp phải đón con về lại BV và hoàn thành nốt công việc, sau đó mới chở con về” - điều dưỡng này chia sẻ.
Các điều dưỡng phải luân phiên, gánh gồng công việc với nhau. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Chị Mỹ cho hay, hiện Khoa nhiễm Việt - Anh đang thiếu một điều dưỡng làm ca. Lượng công việc quá tải, các điều dưỡng phải luân phiên, gánh gồng với nhau. “Chuyện thiếu điều dưỡng là muôn thuở nên chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức để chăm sóc tốt BN.
Tuy vậy, điều dưỡng chỉ có hai bàn tay và một khối óc, không thể kham hết việc được. Nhiều khi tôi nghĩ, nếu điều dưỡng đi hết, BN nằm đó không ai chăm sóc thì người thiệt là BN”.
Theo đó, song song với lượng công việc tăng mùa đỉnh dịch, BV cũng có những chế độ bồi dưỡng đối với các điều dưỡng làm việc vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, quá tải công việc kéo dài khiến các điều dưỡng mệt mỏi, nhất là những người làm ca đêm. Vì ban đêm khi quá tải sẽ không có nhiều người hỗ trợ, điều dưỡng ca đêm phải làm hết.
“Bây giờ mọi thứ đều tăng giá nhưng lương chưa được tăng. Mức lương hiện tại so với vật giá leo thang hiện nay thì không đủ sống. Vì vậy gia đình tôi phải cắt bớt những khoản sinh hoạt giải trí, về ăn uống cũng phải chi tiêu tiết kiệm hơn” - chị Mỹ tâm sự.
Có thể thấy, những điều đó phần nào khiến chất lượng cuộc sống của chị và gia đình giảm đi. Khi đó cuộc sống riêng của chị buộc phải thay đổi theo khối lượng công việc, “nhưng mình chọn nghề thì buộc phải sắp xếp”, chị nói.
Các điều dưỡng tất bật công việc chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Được hỏi về những khoảnh khắc đáng nhớ trong 24 năm làm điều dưỡng, chị Mỹ liền kể đến thời điểm đỉnh dịch COVID-19: “Lúc đó tôi cảm thấy nghề của mình ý nghĩa vô cùng, giúp được nhiều người”.
Chị nhớ lại những lúc nhân viên y tế phải ngồi ăn mỗi người một góc, luôn mang đồ bảo hộ kín người. Nhiều khi một mình chị lủi thủi trên đường, ngang nhà mà không được vào thăm con, chỉ ghé nhà trao đổi thực phẩm.
Những lúc đó tôi tưởng chừng như kiệt sức. Nhưng vẫn cố vượt qua vì nghĩ bản thân còn nhiều nhiệm vụ lớn lao. Dù cực nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ nghề, tôi luôn muốn gắn bó với nghề lâu dài. Nếu cho chọn lại tôi vẫn chọn nghề điều dưỡng.
Tôi mong rằng xã hội có những chế độ đãi ngộ tốt cho nhân viên y tế. Đặc biệt chúng tôi cần môi trường làm việc tốt, có cơ hội trau dồi kiến thức để phục vụ cho BN một cách tốt nhất. Chị Nguyễn Thị Kiều Mỹ - Điều dưỡng trưởng CK.I Khoa nhiễm Việt - Anh (BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM)
Bận rộn quên cả ăn trưa
Trò chuyện với điều dưỡng viên trẻ tuổi nhất Khoa nhiễm Việt - Anh, chị Lê Huỳnh Trâm (25 tuổi) cho biết, chị đã bắt đầu với công việc điều dưỡng được hai năm. Những ngày đầu tiên làm việc, chị gặp nhiều bỡ ngỡ vì chưa có kinh nghiệm chuyên môn.
Chị Lê Huỳnh Trâm hằng ngày chăm sóc từ ba đến bốn BN nặng. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
“Chỉ mới làm việc được hai năm, tôi chưa có nhiều trải nghiệm. Cũng không được nhanh nhẹn như các anh chị, nên tôi phải vừa làm vừa học hỏi. Nhiều khi về nhà tôi luôn lo lắng không biết hôm nay mình đã thật sự làm tốt nhiệm vụ chưa. May mắn tôi được các anh chị nhiệt tình hỗ trợ” - nữ điều dưỡng trẻ tâm sự.
Chị Trâm cho hay, công việc của một điều dưỡng hồi sức thông thường là chăm sóc từ ba đến bốn BN nặng. Hôm nào có ca trở nặng thì công việc sẽ nhiều hơn. Nếu đủ nhân lực, các điều dưỡng sẽ có nhiều thời gian trò chuyện, an ủi, chăm sóc chu đáo cho BN hơn.
“Nhưng với tình hình thiếu điều dưỡng hiện tại thì công việc của chúng tôi khá tất bật. Tôi không chỉ hoàn thành công việc theo kế hoạch mà còn phải đảm nhiệm thêm nhiều việc khác nữa. Thời gian dành cho gia đình cũng hạn chế hơn” - chị Trâm bộc bạch.
Chị Trâm xoay ca sáng - chiều - đêm. Mỗi ca như thế chị chỉ tranh thủ thời gian ăn rồi quay lại với công việc. Có những ngày bận quá, chị Trâm không có thời gian ăn trưa, “nhưng vì tập trung vào công việc nên không thấy đói”.
Chia sẻ về động lực tiếp tục công việc, nữ điều dưỡng nói: “Dù có nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vì yêu nghề nên tôi vẫn chọn làm việc hết sức mình. Công việc nào cũng có những nỗi niềm riêng, đôi lúc tôi cũng gặp nhiều mệt mỏi và áp lực nhưng nhờ sự động viên của các anh chị đồng nghiệp nên tôi cũng may mắn vượt qua”.
Không chỉ hoàn thành công việc theo kế hoạch, chị Trâm còn đảm nhiệm thêm nhiều việc khác. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Hơn hai tháng đồng hành cùng chồng điều trị bệnh lao màng bụng và suy giảm tuần hoàn máu ở BV Bệnh Nhiệt đới, chị Võ Thị Thoại Mỹ (29 tuổi, quê An Giang) chia sẻ:
“Suốt những ngày qua, tôi cảm nhận được sự nhiệt tình, tận tâm của đội ngũ y bác sĩ và điều dưỡng tại BV này, tôi rất biết ơn. Thật lòng mà nói, đây là nơi duy nhất tôi cảm nhận rõ ràng sự tận tâm nhất trong tất cả các BV mà tôi và chồng thăm khám trước đây.
Các BS rất nhiệt tình chăm sóc chồng tôi. Đặc biệt các điều dưỡng rất cẩn thận và tỉ mỉ, lo cho chồng tôi từng chút một. Tôi còn thấy điều dưỡng tận tình làm rất nhiều việc cho các BN khác như thay tã, đút cháo, nước uống” - chị Thoại Mỹ rưng rưng.
Được biết hiện tại, tình hình sức khỏe của chồng chị Thoại Mỹ đã ổn định hơn. Anh chuẩn bị được xuất viện trở về An Giang dưỡng bệnh.