Trước đó Bộ GTVT đã gửi công điện khẩn đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát lại chất lượng các cầu treo và nghiên cứu tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng cầu treo cho phù hợp với điều kiện sử dụng ở các vùng sâu, vùng xa. Được biết chiếc cầu treo bị sập tại bản Chu Va 6 do UBND huyện Tam Đường làm chủ đầu tư.
Bác sĩ BV Bạch Mai khám nạn nhân vụ lật cầu treo ở Lai Châu. Ảnh: TTXVN
Theo ông Nguyễn Công Huấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu, cho biết ngày 26-2 các bác sĩ của BV Bạch Mai, BV Việt Đức (Hà Nội) cùng BV Đa khoa tỉnh Lai Châu tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật cho năm bệnh nhân bị chấn thương nặng.
“Trong số 28 bệnh nhân đang được điều trị tại BV Đa khoa Lai Châu có ba bệnh nhân tiên lượng nặng, đang được theo dõi đặc biệt. Còn lại các bệnh nhân sức khỏe tương đối ổn định” - ông Huấn cho biết.
Chiều cùng ngày, một số bác sĩ đã trở về Hà Nội, tuy nhiên vẫn có một êkíp trực ở BV Đa khoa Lai Châu để tiếp tục theo dõi các bệnh nhân. BV Bạch Mai cũng cử thêm bác sĩ và điều dưỡng lên tăng cường.
NGUYỄN DÂN - HUY HÀ
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và phòng, chống thảm họa TP.HCM: “Một khi ngã từ trên cao xuống khu vực có nhiều đá, sỏi như vụ đứt cầu treo ở xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, Lai Châu) thì nạn nhân dễ bị chấn thương cột sống, chấn thương sọ não, gãy tay chân, chảy máu... Nếu sơ cứu trễ hoặc sơ cứu không đúng cách thì nạn nhân rất dễ tử vong, nhất là nạn nhân bị chấn thương cột sống. Thực tế cho thấy khi xảy ra tai nạn mọi người đều hoảng hốt. Không ít người ôm, bế, xốc, cõng nạn nhân, nhất là người quen khiến nạn nhân dễ tử vong. Điều cần lưu ý là bệnh nhân chấn thương cột sống sẽ tử vong ngay do cơ quan tủy bị đứt nếu không được cố định, giữ thẳng người. Do vậy, tuyệt đối không được cõng, bế, xốc... mà phải sử dụng cáng hoặc miếng ván thẳng. Trong trường hợp không có hai dụng cụ trên thì sử dụng bốn người đứng xen kẽ để nâng nạn nhân và chuyển tới bệnh viện. Mỗi bên nạn nhân có hai người, người bên này đứng ngang đầu nạn nhân thì người bên kia đứng ngang ngực bệnh nhân. Người bên này đứng ngang hông nạn nhân thì người bên kia đứng ngang hai chân bệnh nhân và cùng lúc bế nạn nhân lên. Tuy nhiên, mức độ cố định nạn nhân bằng phương pháp này không cao nên thiếu an toàn. TRẦN NGỌC |