Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar (Đắk Lắk) vừa ra các quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Đình Sơn vì hành vi không cấu thành tội vi phạm việc kê biên tài sản.
Quy kết người dân vi phạm việc kê biên
Pháp Luật TP.HCM ngày 11-7-2014 đã từng có bài phản ánh cho rằng việc kết án ông Sơn là thiếu khách quan.
Theo hồ sơ buộc tội, tháng 4-2009, Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Ea Kar đã ra quyết định THA, buộc bà Chu Thị Hoa phải trả cho ông Nguyễn Văn Luận gần 72 triệu đồng… Trong thời gian giải quyết vụ việc, Chi cục THA huyện phát hiện bà Hoa chuyển nhượng 5.000 m2 đất cùng tài sản gắn liền trên đất cho vợ chồng ông Sơn. Cho rằng việc chuyển nhượng này chưa hợp pháp, tháng 12-2009, Chi cục THA đã ban hành quyết định kê biên mảnh đất nói trên để đảm bảo THA.
Ông Nguyễn Đình Sơn, người bị oan. Ảnh: HH
Ngày 15-12-2009, Chi cục THA huyện đã thành lập đoàn cưỡng chế kê biên. Sau khi kê biên, Chi cục THA đã giao toàn bộ tài sản bị kê biên cho vợ chồng ông Sơn quản lý, sử dụng cho đến khi có quyết định xử lý của Chi cục. Vợ chồng ông Sơn đồng ý nhận quản lý, sử dụng đất và thực tế đã canh tác, thu hoạch sản phẩm.
Ít ngày sau, Chi cục THA huyện đã thông báo hướng dẫn vợ chồng ông Sơn khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình nhưng họ không làm. Từ đầu tháng 12-2012 đến ngày 7-1-2013, ông Sơn đã tự ý thuê máy múc vào nhổ cây cà phê trên đất bị kê biên. Chi cục THA đã phát hiện, ngăn chặn nhưng ông Sơn không dừng lại mà tiếp tục đưa người vào nhổ hết cây cà phê, cây ăn quả trên đất, sau đó thuê máy cày về xới đất để chuẩn bị trồng bắp. Tài sản ông Sơn chặt phá, hủy hoại gồm 33 cây nhãn, 10 cây cà phê, năm cây mãng cầu, hai cây vải, hai cây hồng xiêm (tổng giá trị thiệt hại khoảng 88 triệu đồng).
Đầu năm 2013, Chi cục THA huyện Ea Kar đã gửi văn bản đến Cơ quan CSĐT Công an huyện đề nghị điều tra làm rõ hành vi hủy hoại tài sản kê biên của ông Sơn. Tháng 7-2013, ông Sơn bị khởi tố, truy tố về tội vi phạm việc kê biên tài sản theo điểm b khoản 1 Điều 310 BLHS (tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại tài sản bị kê biên).
Tháng 12-2013, TAND huyện này đã phạt ông Sơn sáu tháng tù, buộc vợ chồng ông phải liên đới bồi thường cho Chi cục THA huyện Ea Kar 88 triệu đồng. Sau phiên xử, ông Sơn kháng cáo kêu oan.
Chưa giao tài sản kê biên
Tại phiên xử phúc thẩm sau đó của TAND tỉnh Đắk Lắk, luật sư bào chữa cho ông Sơn đã chứng minh rằng thân chủ không hề phạm tội như bản án sơ thẩm quy kết.
Theo luật sư, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng bà Hoa với vợ chồng ông Sơn là hợp pháp. Mặt khác, Chi cục THA huyện Ea Kar chưa thực hiện việc giao tài sản kê biên cho ông Sơn theo quy định tại Điều 58 Luật THA dân sự nên ông Sơn không phải là chủ thể của tội vi phạm việc kê biên tài sản này. Bởi lẽ theo Điều 310 BLHS, chỉ những người được giao quản lý tài sản bị kê biên, bị niêm phong hoặc vật chứng bị niêm phong mới có thể trở thành chủ thể của tội này. Chưa kể, Chi cục THA huyện không phải là nguyên đơn dân sự theo quy định tại Điều 52 BLTTHS… Từ đó, luật sư đã đề nghị tòa tuyên bố ông Sơn không phạm tội.
Theo TAND tỉnh Đắk Lắk, chứng cứ quan trọng có ý nghĩa xác định ông Sơn có được giao nhận tài sản kê biên hay không là biên bản kê biên tài sản do đoàn cưỡng chế lập ngày 15-12-2009 (ông Sơn không ký tên vào biên bản này). Trong thành phần đoàn cưỡng chế có kiểm sát viên PTP. Bà P. sau này lại tham gia vào vụ án với tư cách là kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm là không vô tư trong khi thi hành công vụ, vi phạm khoản 3 Điều 42 BLTTHS... Vì thế, tòa phúc thẩm đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho TAND huyện Ea Kar xét xử sơ thẩm lại.
Sau khi thụ lý lại, TAND huyện Ea Kar nhận thấy chưa đủ căn cứ buộc tội ông Sơn nên đã quyết định trả hồ sơ yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an huyện điều tra bổ sung.
Mới đây, sau khi điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar đã khẳng định ông Sơn không được Chi cục THA huyện giao tài sản kê biên đúng như luận cứ bào chữa của luật sư. Mục đích ông Sơn phá bỏ cà phê kém năng suất trên mảnh đất trên là để trồng cây có năng suất cao hơn. Hành vi của ông Sơn không phạm tội vi phạm tài sản kê biên nên Cơ quan CSĐT đã ra quyết định như trên.