Họ cuống cuồng tìm đồ chơi của Việt Nam để hy vọng mọi thứ sẽ an toàn hơn. Thế nhưng mua đồ chơi hàng Việt Nam đã khó, mẫu mã hàng hóa thì đơn điệu trong khi giá cả lại cao vời vợi. Vì vậy, dù không muốn nhưng cuối cùng nhiều người phải chấp nhận mua đồ chơi Trung Quốc tại siêu thị vì giá cả hợp lý hơn.
Kể cũng đúng, làm sao người tiêu dùng không than khi muốn “sờ” vào đồ chơi Việt Nam, món nào cũng từ 100.000 cho đến vài trăm ngàn đồng. Ví dụ, một bộ giường tủ búp bê bằng gỗ có giá đến gần 300.000 đồng, bập bênh nhựa có giá 650.000 đồng… món đồ chơi dưới 40.000 đồng có lẽ sẽ tìm đến đỏ con mắt cũng không có!
Hỏi câu chuyện này với doanh nghiệp (DN) thì DN nói đồ chơi thì không thể có giá rẻ được. “Mua giá rẻ tức là các bạn bị mắc bẫy, đồ chơi có giá rất trung thực. Một mặt hàng đồ chơi phải có giá ở một mức nào đó nhưng thị trường lại không chấp nhận mức giá đó thì vô hình trung người sản xuất phải hạ giá thành xuống. Khi hạ giá thành thì tất nhiên chất lượng phải đi xuống. Làm đồ chơi giá rẻ không có gì khó, vì khi đó nguyên liệu sẽ là nguyên liệu tái sinh, vật liệu chưa khử hết độc tố… Vô hình trung chính người mua hàng đã làm sản phẩm của chúng ta biến đổi về chất lượng” - ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty Thiết bị giáo dục đồ chơi Văn Minh, nói.
Cũng theo ông Minh, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp đồ chơi nên mọi thứ vẫn cứ èo uột. DN hoạt động kiểu tự phát, thậm chí là ăn cắp mẫu mã của nhau. Trong khi đó, Nhà nước không có bất cứ hình thức hỗ trợ nào từ lãi suất đến mặt bằng, công nghệ… để ngành đồ chơi phát triển.
Như vậy, câu chuyện về đồ chơi an toàn, giá rẻ phù hợp với người Việt Nam có vẻ như còn quá khó và xa vời!
MAI PHƯƠNG