Không giao địa phương làm cao tốc Bắc - Nam

Trước việc dư luận có ý kiến trái chiều về đề xuất của Chính phủ giao các địa phương làm chủ đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 dài 729 km, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa có buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Nhiều lý do không thể giao địa phương

Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định dự án cao tốc Bắc - Nam rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc giao cho địa phương là không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công… Việc không đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật sẽ dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng đường cao tốc là công trình cấp đặc biệt với tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Do đó, dự án đòi hỏi năng lực quản lý và triển khai ở cấp trình độ chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm và đáp ứng yêu cầu dự án quan trọng quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn thống nhất.

Song song đó, đường bộ cao tốc Bắc - Nam có yêu cầu cao trong việc khai thác đồng bộ cả tuyến. Trong khi đó, kinh nghiệm của địa phương hiện nay rất hạn chế, lại đang phải tập trung cho công tác phòng chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và quản lý, giải ngân vốn đầu tư công của địa phương.

“Vì vậy, tất cả cơ quan đều không đồng tình việc giao dự án cho địa phương làm chủ đầu tư. Giao Bộ GTVT là đầu mối duy nhất tổ chức thực hiện đầu tư dự án…” - Chủ tịch Quốc hội kết luận.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng dự án, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân cấp triệt để cho từng địa phương và cần phải có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt nhằm nâng cao công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện, đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án.

Chính phủ giao Bộ GTVT tiếp thu

Ngay sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý kiến bằng văn bản giao Bộ GTVT khẩn trương tiếp thu, giải trình ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các góp ý của Ủy ban Kinh tế cho dự án cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2.

Bộ GTVT cũng được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các văn bản của dự án, trình lại Quốc hội trước ngày mai (2-12), để Quốc hội cho ý kiến tiếp về việc thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 dự kiến khởi công giữa năm 2023 và
cơ bản hoàn thành năm 2025. Ảnh minh họa: VIẾT LONG

Liên quan đến vấn đề này, ngày 30-11, Bộ GTVT cho biết đã nhận được văn bản chỉ đạo của Thủ tướng. Hiện lãnh đạo bộ đang giao cho các đơn vị liên quan nghiên cứu để giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội.

Trong tờ trình Quốc hội trước đó, Chính phủ cho rằng trong thực tế, một số địa phương được giao quản lý, triển khai đầu tư đường bộ cao tốc đã tạo được tính chủ động, kịp thời trong giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng. Chẳng hạn như công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, công tác vận động, tuyên truyền người dân…

Cạnh đó, địa phương triển khai dự án có thuận lợi trong việc quy hoạch và phát triển không gian đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp hai bên đường cao tốc, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư... Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc để địa phương đầu tư dự án là năng lực của ban quản lý dự án của các tỉnh còn hạn chế.

Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ quy định hệ thống quốc lộ do Bộ GTVT tổ chức, quản lý bảo trì; hệ thống tỉnh lộ do các địa phương quản lý và bảo trì. Nếu giao thẳng về địa phương thì cần phải có cơ chế đặc thù. Vì chính sách này mới đề cập đến nhiệm vụ đầu tư, chưa đề cập đến trách nhiệm tổ chức nào sẽ thực hiện quản lý, bảo trì sau khi dự án hoàn thành…

Trong khi đó, Bộ GTVT cũng bày tỏ sự lo ngại khi giao dự án cho địa phương, bởi dự án sẽ khó đảm bảo tính đồng bộ, công tác chỉ đạo và điều hành phân tán không tập trung. Đặc biệt, địa phương thiếu cán bộ có năng lực, kinh nghiệm về thi công, đầu tư, quản lý dự án dẫn đến nhiều rủi ro về tiến độ và chất lượng công trình.•

Triển khai 12 dự án thành phần bằng vốn nhà nước

Theo đề xuất của Chính phủ, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025) có quy mô bốn làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỉ đồng, chia làm 12 dự án thành phần. Dự kiến dự án khởi công giữa năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Về hình thức đầu tư và bố trí nguồn vốn cho dự án: Chủ tịch Quốc hội đồng ý về nguyên tắc có thể đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 theo hình thức đầu tư công. Chính phủ có giải pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt, điều hòa nguồn vốn để triển khai dự án.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao, gắn trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc triển khai dự án này, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng đề ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm