Đoàn ĐBQH Bình Thuận giám sát việc xử lý tro xỉ ở Vĩnh Tân

Ngày 20-8, bà Nguyễn Thị Phúc, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận cho biết Đoàn ĐBQH tỉnh vừa có buổi giám sát tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Công ty Cổ phần Đầu tư Mãi Xanh về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với dự án chậm triển khai, chậm tiến độ tại bãi xỉ nhà máy.

Bãi xỉ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã chứa gần 50% công suất.

Theo bà Phúc, dự kiến Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận để có giải pháp tháo gỡ, giải quyết những tồn tại ở đây. Theo báo cáo, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sử dụng chung bãi thải tro, xỉ có diện tích 38,37 ha, sức chứa khoảng 9,3 triệu m3. Đến thời điểm hiện tại bãi xỉ của nhà máy đã chứa khoảng 4,4 triệu m3 và mỗi năm chỉ riêng Vĩnh Tân 2 đã thải ra khoảng 1,2 triệu m3. Theo Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tồn tại lượng tro xỉ quá lớn là do thiếu cơ chế, chính sách phù hợp.

Làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cho biết trong quá trình vận hành mỗi ngày nhà máy thải ra 4.000 tấn tro, xỉ than, trong khi đó dự án lấy tro, xỉ làm gạch xây dựng của Công ty Cổ phần Đầu tư Mãi Xanh đặt tại huyện Tuy Phong đầu tư quá chậm và mỗi ngày công suất tiêu thụ tro, xỉ than chỉ sấp xỉ 3%.

Hiện dự án này mới chỉ lắp được 3/28 dây chuyền sản xuất gạch và trớ trêu hơn là các sản phẩm gạch, vật liệu xây dựng của nhà máy này chưa được Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn. Việc chậm tiến độ của nhà máy này ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ tro xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 nói riêng và Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân nói chung.

Ngoài ra, việc vận chuyển tro xỉ khối lượng lớn bằng đường bộ với khoảng cách khá xa do những nơi tiêu thụ tro xỉ đều tập trung tại khu vực TPHCM và một số tỉnh nên sẽ làm gia tăng chi phí. Vì thế phương án vận chuyển tối ưu hiện nay là bằng đường biển, tuy nhiên phương án này đòi hỏi phải có tàu vận tải phù hợp để vận chuyển tro bay và trung chuyển bằng xe bồn hoặc đường ống từ nhà máy sang cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Trong khi đó, chi phí thuê tàu và bến bãi rất cao, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra khó khăn trong việc tiêu thụ tro xỉ.

Đặc biệt, hiện nay cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành tiêu chuẩn tro xỉ làm vật liệu san lấp, do đó nhiều đơn vị muốn dùng tro xỉ vào mục đích này chưa thể thực hiện được.

Từ những thực tiễn khó khăn trên, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 kiến nghị đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất các cơ quan chức năng sớm ban hành tiêu chuẩn tro xỉ làm vật liệu san lấp để tháo gỡ khó khăn và giải quyết lượng tro xỉ tồn đọng.

Được biết tại kỳ họp Quốc hội thứ 5, Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Nguyễn Thị Phúc cũng đã có ý kiến chất vấn Bộ Xây dựng về nội dung trên. Trả lời chất vấn, Bộ Xây dựng cho biết được Thủ tướng Chính phủ giao triển khai xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san nền và đường giao thông, dự kiến ban hành trong năm 2018 và đầu năm 2019. Trên cơ sở đó, việc tiêu thụ tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện sẽ được đa dạng về hình thức sử dụng, góp phần giải quyết lượng tro, xỉ phát sinh trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi giám sát, ĐBQH Nguyễn Thị Phúc đề nghị Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cần có giải pháp căn cơ về giải quyết tro xỉ hơn nữa. Đặc biệt là Công ty Cổ phần Đầu tư Mãi Xanh cần sớm đẩy nhanh triển khai dự án. Đối với các khó khăn, vướng mắc, Đoàn ĐBQH ghi nhận và làm việc với UBND tỉnh và các cơ quan liên quan.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Sở TN&MT Bình Thuận thừa nhận việc giải quyết lượng tro xỉ khổng lồ ở Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân thực sự là một bài toán nan giải chưa có đáp số.

“Chỉ riêng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 mỗi năm thải 1,2 triệu m3 tro xỉ, giả sử cả năm nhà máy đồng loạt hoạt động thì chỉ chưa tới nửa năm bãi xỉ của Vĩnh Tân 2 sẽ lấp đầy. Trong khi đó bãi xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có diện tích 59 ha, dự kiến có khả năng lưu chứa tro xỉ với thời gian cũng chỉ bảy năm” - vị lãnh đạo này nói và cho biết cần phải có giải pháp khẩn cấp, căn cơ ngay từ bây giờ dù quá muộn mới có thể giải quyết được đáp số của bài toán này.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.