Doanh nghiệp từ chối bồi thường lắp chân giả cho nữ sinh vì không có tiền

(PLO)- HĐXX cho rằng bị hại chưa lắp chân giả và chỉ cung cấp bảng báo giá với nhiều mức giá khác nhau nên chưa có căn cứ chấp nhận khoản bồi thường này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-4, sau nhiều tháng phải hoãn vì dịch bệnh COVID-19, TAND thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trọng Hiệp (41 tuổi, nhân viên lái xe của công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thiên Định Vũng Tàu) ba năm tù về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Bị hại trong vụ án là hai học sinh Trần Minh Lực và Trần Thị Hồng (sinh năm 2004, học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ). Trong đó, em Hồng bị thương rất nặng, phải cắt một bên chân trái, bàn chân phải biến dạng, tỉ lệ thương tật 87%...

Em Hồng đã phải nghỉ học để tiến hành các ca mổ, còn em Lực sau tai nạn chỉ bị thương nhẹ hiện đang học lớp 12.

Tại phiên tòa, em Hồng yêu cầu bị cáo cùng công ty Thiên Định bồi thường số tiền hơn 1,3 tỉ đồng. Trong đó, chi phí lắp chân giả, phía bị hại đã liên hệ để xin bảng báo giá của một công ty chuyên cung cấp mặt hàng đặc biệt này tai Việt Nam. Trung bình mức giá là 1 tỉ đồng, là cơ sở để yêu cầu bị cáo, công ty bồi thường.

Em Trần Thị Hồng nhờ gia đình hỗ trợ đưa đến phiên tòa với một bên chân không còn và mong muốn sớm có thể lắp chân giả để đi học. Ảnh:TK

Em Trần Thị Hồng nhờ gia đình hỗ trợ đưa đến phiên tòa với một bên chân không còn và mong muốn sớm có thể lắp chân giả để đi học. Ảnh:TK

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Hiệp thừa nhận trong quá trình chạy xe của công ty đã bất cẩn gây tai nạn cho cháu Hồng. Bị cáo không có tiền để bồi thường cho cháu từ khi gây tai nạn đến nay. Bị cáo mong muốn sau khi chấp hành án xong sẽ đi làm, có tiền và chu cấp cho cháu Hồng.

Còn phía đại diện công ty Thiên Định cho hay công ty đã đưa gia đình em Hồng 80 triệu đồng. Hiện kinh tế của công ty gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Công ty không đủ chi phí nên không chấp nhận bồi thường theo yêu cầu của bị hại về phần chi phí lắp chân giả, chỉ chấp nhận các chi phí chữa bệnh, nuôi dưỡng trong thời gian chữa bệnh, thuê xe hai lần…

Ngoài ra, công ty cũng cho rằng công ty có hợp đồng lao động với tài xế. Trong đó quy định nếu xảy ra sự cố ngoài ý muốn tài xế phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Vì vậy, công ty Thiên Định từ chối bồi thường 1 tỉ tiền lắp chân giả cho bị hại. Chủ tọa đã hỏi lại phía bị hại lần cuối mức bồi thường có thể "chốt " để phía công ty chấp nhận. Phía bị hại đưa ra mức 500 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty Thiên Định vẫn từ chối bồi thường vì lý do không có tiền.

Gia đình em Hồng cho hay sẽ kháng cáo vì không đồng tình với phần tuyên tách chi phí bồi thường chân giả ra xử lý ở một vụ án khác. Ảnh:TK

Gia đình em Hồng cho hay sẽ kháng cáo vì không đồng tình với phần tuyên tách chi phí bồi thường chân giả ra xử lý ở một vụ án khác. Ảnh:TK

HĐXX tuyên phạt bị cáo Hiệp ba năm tù về tội vi phạm về tham gia giao thông đường bộ, buộc bị cáo Hiệp và công ty Thiên Định liên tới bồi thường cho bị hại chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút tổng số tiền là hơn 269 triệu đồng…

Về hợp đồng lao động giữa công ty Thiên Định và bị cáo Hiệp, HĐXX nhận thấy thỏa thuận này là trái pháp luật và đạo đức xã hội nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm bồi thường nên không được chấp nhận.

Đối với yêu cầu xem xét chi phí lắp chân giả, HĐXX thấy thương tích của em Hồng rất nặng, ảnh hưởng tới khả năng đi lại và sinh hoạt sau này nên việc lắp chân giả cũng là để điều trị thương tích.

Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng, em Hồng chưa lắp chân giả và chỉ cung cấp bảng báo giá của một công ty với nhiều mức giá khác nhau; chưa cung cấp được các hóa đơn về việc bồi thường tổn hại lâu dài về sức khỏe nên HĐXX xác định các chứng tờ chưa đầy đủ và không xem xét giải quyết trong vụ án.

Do đó chưa có căn cứ để chấp nhận khoản bồi thường này. HĐXX sẽ tách phần chi phí lắp chân giả và bồi thường tổn hại sức khỏe, các lần mổ để giải quyết ở một vụ án khác để cho phía bị hại có điều kiện thu thập các hóa đơn chứng từ. Đối với các chi phí khác phát sinh trong tương lai này bị hại có quyền khởi kiện trong một vụ án dân sự khác.

Gia đình cháu Hồng không đồng ý với bản án tòa tuyên về tách phần chi phí lắp chân giả thành một vụ kiện dân sự khác và cho hay sẽ kháng cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm