Doanh nghiệp vay tín chấp khó khăn vô cùng

(PLO)- Không có quy định cụ thể làm thế nào để được ngân hàng thương mại cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp, nhưng không phải ai cũng được nhà băng cho vay mà không cần tài sản thế chấp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng ngày, 14-6, tại Hội nghị đối thoại Doanh nghiệp và chính quyền thành phố lần thứ 246, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: Tính đến cuối tháng 5, tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 3,6 triệu tỉ đồng, tăng 0,61% so với tháng trước và tăng 1,93% so với cuối năm 2023. Nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng thấp chủ yếu do sức hấp thụ vốn còn yếu.

Doanh nghiệp chật vật tự cứu mình

Ông Lệnh nhận định thêm, mặc dù tốc độ tăng trưởng không cao, song tín dụng đã duy trì tốc độ tăng trưởng dương liên tục từ tháng 2 đến nay, với xu hướng tháng sau tăng cao hơn tháng trước (tín dụng tháng 4 tăng 0,35%, tháng 5 tăng 0,61%). Đây là kết quả quan trọng trong điều kiện khả năng hấp thụ vốn trong nền kinh tế còn thấp.

Đại diện doanh nghiệp Chế biến thủy sản Khánh Trang nêu vấn đề: "Liệu có giải pháp đột phá nào để cho doanh nghiệp nhỏ được tiếp cận được vay tín chấp, do hiện nay trong khi doanh nghiệp đã hết tài sản đảm bảo?".

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết thêm: "Các ngân hàng thương mại cho vay cũng phải đảm bảo đúng quy định về điều kiện tín dụng cũng như các quy định khác để đảm bảo phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Do đó, không có quy định ngân hàng thương mại không được cho vay tín chấp doanh nghiệp, cũng không có quy định cụ thể làm thế nào để được ngân hàng cho vay tín chấp. Bởi vì, việc cho vay tín chấp tiềm ẩn rủi ro nếu khoản vay mà khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng thương mại bị mất vốn (có thể nói gần như mất trắng 100%).

Vì vậy, mỗi ngân hàng thương mại sẽ có đánh giá cụ thể về vấn đề này, mà chính là yếu tố “niềm tin” của ngân hàng đối với khách hàng thông qua khách hàng có phải là khách hàng truyền thống của ngân hàng hay không? Điểm chấm điểm đánh giá khách hàng của ngân hàng như thế nào? Dòng tiền thu – chi của khách hàng có 100% qua sự quản lý của ngân hàng hay không…"

doanh nghiệp vay tín chấp.JPG
Không phải doanh nghiệp nào muốn vay tín chấp cũng nhận được cái gật đầu của ngân hàng thương mại. Ảnh: T.L

"Do đó, nếu doanh nghiệp đã và đang quan hệ tốt với ngân hàng thương mại nào rồi thì nên thông qua sự tư vấn của chính ngân hàng thương mại đó để được xem xét việc cho vay tín chấp ở mức tỉ lệ nào đó khi mà khách hàng đáp ứng được các điều kiện cho vay tín chấp mà ngân hàng đưa ra. Đây chỉ là một trong các khả năng vì còn rất nhiều yếu tố khác trong quá trình đánh giá khách hàng để cho vay của ngân hàng như hiệu quả dự án, tình hình tài chính, khả năng trả nợ,…", ông Lệnh nhấn mạnh.

Doanh nghiệp mệt mỏi với nỗi lo về lãi suất, tỉ giá

Ở khía cạnh khác, ông Đinh Công Khương, Chủ tịch CLB thép TP.HCM cho rằng: Thông tư 02 của NHNN đưa ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giữ nguyên nhóm nợ, rất đúng, rất trúng. Dù vậy, trên thực tế khi doanh nghiệp gặp khó khăn và cầu cứu ngân hàng để hưởng chính sách cơ cấu thời gian trả nợ theo quy định của thông tư này thì đều nhận được cái lắc đầu và đều muốn doanh nghiệp tự thân cố gắng xoay sở để trả nợ đúng hạn. Nhưng khổ nỗi, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, hàng không bán được, tồn kho tăng, dòng tiền cạn… thì làm sao có tiền để trả nợ đúng hạn.

Đề cập đến việc doanh nghiệp phải tự xoay dòng tiền để trả nợ, ông Nguyễn Xuân Hiền - đại diện Công ty TNHN Nhà ở xã hội Việt Nam chia sẻ về nỗi khổ mà chính doanh nghiệp mình đang gặp phải.

"Chúng tôi đang có một tài sản là bất động sản, đã thanh toán 95% giá trị căn hộ nhưng do chủ đầu tư chưa ra sổ nên chỉ có hợp đồng mua bán. Khi đem hợp đồng mua bán này đến ngân hàng để thế chấp nhằm bổ sung vốn lưu động cho doanh nghiệp thì đều bị phía ngân hàng từ chối.

Bù lại, họ "mách nước" tôi có thể vay vốn dưới vai trò cá nhân, bởi thủ tục phê duyệt hồ sơ vay vốn của khách hàng cá nhân “dễ thở” hơn nhiều so với cho vay doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi nút thắt về vốn được giải quyết thì cái khó mới lại xuất hiện. Đó là vay khi vốn với tư cách cá nhân và dùng nguồn lực này để phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp thì phần chi phí lãi vay không được hạch toán vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp để khai báo thuế. Tức là doanh nghiệp vẫn có cách xoay vốn duy trì hoạt động nhưng lại gặp khó khăn trong việc khấu trừ thuế cho khoản chi phí “vốn được xem là hợp lý”", ông Hiền cho hay.

Bên cạnh đó, ông Hiền cũng bày tỏ lo lắng về nguy cơ tăng lãi suất cho vay. Hiện doanh nghiệp của ông Hiền đang có khoản vay dài hạn, với mức lãi suất phải trả là 10,5%/năm. Nhưng thời gian gần đây, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng trở lại, nên nhiều khả năng thời gian tới, lãi suất cho vay cũng khó có thể đứng yên.

Ông Đinh Công Khương một DN khác, cũng tỏ ra lo lắng về tỉ giá khi mà hồi đầu năm nay, phần lớn các dự báo đưa ra đều nói tỉ giá USD/VND chỉ tăng đâu đó 1-3%, nhưng đến nay đã tăng khoảng 4%. Điều này cũng khiến cho chi phí vốn khi nhập hàng từ nước ngoài bị đẩy lên, qua đó khiến giá hàng hóa tăng theo, giảm tính cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, ông Lệnh khẳng định: "Tỉ giá và lãi suất là các yếu tố rất quan trọng, có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế và thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.

Chính vì vậy, giữ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối luôn là giải pháp quan trọng trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ, đặt trong bối cảnh chung của nền kinh tế hội nhập. Do đó, NHNN luôn điều hành tỉ giá diễn biến phù hợp thị trường, đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm