Theo ông Phạm Trung Nghĩa, tham tán thương mại Việt Nam tại Dubai, UAE, do thị trường UAE tương đối mở và dễ tính, lại là thị trường trung chuyển đến 40% lượng hàng hóa nhập khẩu, dẫn đến sự cạnh tranh rất khốc liệt về giá cả hàng nhập khẩu và biên lợi nhuận thường ở mức thấp. Vậy nên khi DN Việt Nam thấy hỏi mua hàng ở mức giá khá cao hơn giá thị trường từ những DN mới, lạ thì cần hết sức cảnh giác.
Cũng theo ông Nghĩa, phương thức thanh toán đối với hàng rau quả, trái cây tại UAE thường là đặt cọc một phần tiền, sau đó khi nhận được bản scan bộ chứng từ gửi hàng thì trả tiếp một phần và phần còn lại là sau khi họ nhận hàng khoảng 15-30 ngày tùy trường hợp. Rất hiếm khi mở L/C và kể cả mở L/C cũng là L/C trả chậm 30-45 ngày.
“Họ vịn cớ là đặc thù của rau quả, trái cây là hàng mau hỏng, buôn bán trong khu vực thường cho nhau nợ để ép các DN Việt Nam theo phương thức trên. Do đó khi đàm phán, ký kết hợp đồng, DN cần lưu ý hạn chế việc cho trả chậm hoặc nợ tiền. Nếu có cũng chỉ ở mức 10%-20%” - tham tán thương mại Việt Nam tại Dubai cảnh báo.
Ngoài ra, DN phải tiến hành sàng lọc và xác minh rõ các đối tác, đặc biệt là đối tác mới lần đầu giao dịch, đối tác tìm kiếm qua Internet. Nhiều trường hợp cần phải sang trực tiếp địa bàn để thẩm định và làm việc với đối tác hoặc liên hệ với thương vụ để đề nghị hỗ trợ, xác minh về pháp nhân, uy tín.