Kiến trúc độc đáo của người Hoa
Chùa Quan Âm là một trong những ngôi chùa lâu đời do người Hoa xây dựng gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của mảnh đất Sài Gòn - Gia Định. Cuối thế kỷ 17, một số thương nhân người Hoa nhóm ngôn ngữ Phước Kiến di cư sang Việt Nam và định cư tại khu Sài Gòn Chợ Lớn.
Hội Quán Ôn Lăng tọa lạc tại đường Lão Tử, quận 5, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Vì muốn quan tâm giúp đỡ lẫn nhau và thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, đồng hương năm huyện: Tấn Giang, Nam An, Huệ An, Đồng An, An Khê thuộc phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc cùng chung tay góp sức xây dựng nên Hội Quán Ôn Lăng Phước Kiến để thờ cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu. Sau này, Hội Quán thờ cúng thêm Quan Thế Âm Bồ Tát nên người ta quen gọi là Chùa Quan Âm.
Những dòng chữ được khắc ngay cổng vào. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Tín ngưỡng cúng bà Thiên Hậu rất phổ biến trong cộng đồng người Hoa và người Việt. Đây là lễ hội dân gian phổ biến nhất hằng năm từ đó đến nay ở Sài Gòn.
Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1740 (năm Càn Long đời Thanh) với kiến trúc bằng gỗ và đá, xây dựng theo phong cách đền miếu của người Phước Kiến.
Gian thờ 18 vị La Hán. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Đá, gỗ chạm khắc tinh xảo, độc đáo, có giá trị lịch sử văn hóa cao, nhất là về giá trị nghệ thuật kiến trúc. Tháng 12-2002, Hội Quán Ôn Lăng Phước Kiến đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Với kiến trúc độc đáo và lịch sử lâu đời, Hội Quán Ôn Lăng (chùa Quan Âm) được coi là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất của người Hoa tại TP.HCM.
Nốt trầm giữa lòng thành phố
Đến hẹn lại lên, rằm tháng Giêng là thời điểm thu hút hàng ngàn người Hoa và cả người Việt về đây cầu nguyện: cầu sức khỏe, cầu bình an… cho một năm mới cát tường. Từ xa nhìn lại, ngôi chùa khiến người ta liên tưởng tới hình ảnh con thuyền rồng mũi nhọn đang bình an neo đậu bên nhịp sống năng động của phố phường.
Gian thờ Tam Bảo Phật Tổ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Ngoài vị thần thờ chính này thì bao quanh khuôn viên của chùa là hàng loạt các gian thờ các vị thần dân gian khác như: Bao Công, Văn Xương Đế Quân, 18 vị La Hán, Địa mẫu Nương Nương, Thiên Phụ Gia gia…
Ngôi chùa đã gần 300 năm lịch sử. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Mỗi gian thờ đều được trang trí bao lam chạm trổ tinh xảo với các liễn, đối, trướng ca ngợi công đức, vật phẩm cúng bái và khói hương luôn nghi ngút suốt ngày đêm.
Đốt nhang thanh cầu an. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Mỗi người dân khi đến với ngôi chùa này đều gửi gắm tâm nguyện của mình với một vị thánh thần có chức sắc và lĩnh vực rất cụ thể. Chẳng hạn: người đi sông nước hay làm ăn phương xa thì cúng bà Thiên Hậu, người cầu về nhà cửa, kinh doanh thì có thần Quảng Trạch Tôn Vương. Người cầu con hay sắp sinh nở thì cúng lễ ở bàn thờ bà Mẹ sanh, học hành thi cử thì cúng thần Hoa Quang…
Dầu ăn là một trong những lễ vật không thể thiếu khi người dân đến thờ cúng tại chùa Quan Âm. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Bên cạnh những nén hương thơm thì dầu ăn là một trong những lễ vật không thể thiếu khi người dân đến thờ cúng tại ngôi chùa này. Ông Phan Chấn Hùng, một nhân viên của chùa, là người Hoa, hào hứng chia sẻ: “Chỉ có chùa của người Hoa từ đó tới giờ có tục lệ cúng dầu ăn thôi. Dầu ăn được rót chung vào chiếc bình thủy tinh to đặt trước bàn thờ với mong muốn là để ánh sáng công minh ấy luôn được cháy sáng quanh năm”.