Theo BTC đại hội, lớp sơn màu nâu sẫm đặc trưng của Tháp Eiffel được giữ nguyên và làm sạch. Cắt tỉa thành hình lục giác, trước khi được dập nổi logo Thế vận hội 2024 lên những chiếc huy chương Olympic Paris.
Để các VĐV giành chiến thắng có thể mang “những mảnh ghép sống động của lịch sử Paris” về nhà, khung sắt của tháp Eiffel từ đợt trùng tu trước đó đã được nước Pháp tái sử dụng, dập hình lục giác đặt ở trung tâm, tạo nên sự độc đáo cho chiếc huy chương Olympic Paris 2024.
Được biết, chiếc huy chương Thế vận hội Paris 2024 được thiết kế và giám sát bởi thương hiệu kim hoàn nổi tiếng Chaumet - Pháp. Chia sẻ về mẫu thiết kế, giám đốc sáng tạo của Chaumet - Clementine Massonnat Schaller cho biết, thiết kế nhằm mục đích làm nổi bật phần trung tâm hình lục giác trông giống một viên đá quý. Trong đó một phần của tháp Eiffel góp vai trò làm nguồn cảm hứng.
Lần đầu tiên, ngọn đuốc Olympic Paris 2024 sẽ được BTC sử dụng cho cả hai kỳ đại hội Olympic và Paralympic (thể thao dành cho người khuyết tật). Ngọn đuốc nặng 1,5 kg, được sản xuất hoàn toàn từ thép tái chế, do chuyên gia người Pháp Mathieu Lehanneur thiết kế, có hiệu ứng gợn sóng trông như một dòng nước đang chuyển động.
Olympic Paris 2024 sẽ khai mạc vào ngày 26-7 và kết thúc vào ngày 11-8. VĐV của 206 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tranh tài 32 môn thể thao (48 phân môn), với tổng cộng 329 nội dung thi đấu.
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Thế vận hội 2024 với 16 VĐV gồm Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Lê Quốc Phong (bắn cung), Trần Thị Nhi Yến (điền kinh), Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông), Hà Thị Linh, Võ Thị Kim Ánh (boxing), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Phạm Thị Huệ (rowing), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Nguyễn Huy Hoàng, Võ Thị Mỹ Tiên (bơi), Trịnh Văn Vinh (cử tạ) và Hoàng Thị Tình (judo).
Tại Lễ khai mạc, nữ tuyển thủ xe đạp Nguyễn Thị Thật và VĐV cầu Lông Lê Đức Phát sẽ đại diện cầm quốc kỳ Việt Nam tham gia buổi diễu hành.