Độc đáo vườn cây Sa La kỷ lục Việt Nam tại Ninh Thuận

 Video: Độc đáo vườn cây Sa La kỷ lục Việt Nam tại Ninh Thuận
Thông tin một vườn cây Sa La độc đáo tại Ninh Thuận đã chính thức được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietnam record association) xác lập kỷ lục vào ngày 01/11/2021, với nội dung: "Vườn Vô Ưu (cây Sa La - Couroupita Guianensis) có số lượng nhiều nhất được tạo dáng với các dáng thế theo triết lý nhà Phật" chẳng mấy chốc lan truyền.

Vườn cây Sa La độc đáo của ông Phạm Văn Đúng chính thức xác lập Kỷ lục kể từ ngày 1-11-2021. Ảnh: THANH SƠN.

Nhiều người sống tại địa phương cũng ngạc nhiên vì sự kiện quá bất ngờ này, bởi cả chục năm nay họ chỉ biết chủ nhân của khu vườn là ông Kỹ sư nông nghiệp đang công tác tại TP.HCM, về quê canh tác trên mảnh đất gần 6 sào, trồng cây gì đó mà không thấy khi nào thu hoạch.

Như đã hẹn với chủ nhân khu vườn, mấy đồng nghiệp chúng tôi từ TP Phan Rang - Tháp Chàm, theo đường tỉnh lộ 703 tới thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước.

Qua một con ngõ rợp bóng tre, bỗng chợt hiện ra một "mê cung" cây xanh. Đây là khu vườn với hàng trăm cây Sa La của ông Phạm Văn Đúng, được tạo đủ các dáng hình độc đáo, lạ mắt xanh mướt mát. Cái cảm giác háo hức bỗng “chùng” xuống, bởi vừa tới từ phố thị ồn ào, náo nhiệt, chợt gặp một không gian tĩnh lặng, thanh bình.

Vườn cây Sa la được ông Phạm Văn Đúng chăm chút, uốn nắn từ khi còn non cho đến lớn với các dáng thế đẹp và ấn tượng. Ảnh: THANH SƠN.

Giống cây Sa La được mua về từ khu vườn Hoàng gia Campuchia

Ông Đúng đón chúng tôi tại căn chòi dưới bụi tre giữa vườn của mình. Lời đầu ông hơi tiếc là đang mùa dịch COVID-19 nên vừa cho bỏ hết hoa, trái trên cây để chăm sóc.

Sau một hồi nói chuyện, cuối cùng tôi cũng nhận ra ông, vì mấy chục năm trước cũng đã từng gặp và làm việc với nhau vài lần, khi ấy ông là Kỹ sư nông nghiệp, công tác tại Công ty phân bón Bình Điền, thường hay về đây tổ chức các buổi hội thảo, phổ biến kiến thức cho bà con nông dân và tài trợ cho cuộc thi "Nhà nông đua tài" thường niên.

Ông Phạm Văn Đúng đang giới thiệu cho du khách về các triết lý Phật pháp qua các thế cây mình tạo ra. Ảnh: THANH SƠN.

Ông chia sẻ về tuổi thơ thấm đẫm tình cảm gia đình, về sự ra đời của vườn cây như một nhân duyên. Hơn 10 năm trước trong một lần sang Campuchia công tác, ghé thăm cung điện Hoàng gia, ông bắt gặp một cây Sala rất to, hoa trái phủ đầy thân cành và nghe một nhà sư giới thiệu về nguồn gốc cây và truyền thuyết đạo Phật. Sau đợt công tác ấy, trên chuyến xe của công ty trở về Việt Nam có 200 cây Sa La giống được mua. Sau khi tặng các chùa, còn khoảng 100 cây ông quyết định đem về khu vườn của gia đình ở quê để trồng.

Mười năm thổi hồn cho vườn cây Sa La

Bắt đầu từ đó, những ý tưởng Phật pháp được ông thổi hồn và dồn công sức vào từng mầm cây. Hơn 10 năm hầu như ông dành toàn bộ thời gian nghỉ công việc cơ quan, không tính hết bao nhiêu lần đi về từ TP Hồ Chí Minh – Ninh Thuận để chăm sóc uốn tỉa cho vườn cây.

Cho đến giờ này trong vườn có tới 500 cây đã hình thành với 24 dáng thế. Với ông đây mới chỉ là một phần nhỏ của các giáo lý căn bản của nhà Phật.

 Dáng cây “Niết bàn” được trình bày bằng một hình tròn tượng trưng có đường kính bất tận, không còn bên trong bên ngoài, thể hiện được sự nhất tướng, đồng nhất của vạn vật trong vũ trụ này. Ảnh: THANH SƠN.

Chỉ tay vào từng thế cây ông giảng giải, lúc như một vị kỹ sư nông nghiệp trình bày kỹ thuật chăm bón, cách ghép uốn để cây phát triển như ý mình; lúc thì như một nhà tu hành thuyết giảng về đạo pháp…

Nào là thế cây được tạo dáng với tên "Niết bàn bên trong", với hình uốn cong ngọn cây ngược về phần gốc rồi vươn lên, thể hiện sự quay đầu vào trong. Cây dáng “Bốn tâm thức cao thượng” với hình 4 trái tim lồng vào nhau thể hiện 4 trạng thái tâm thức vô lượng: Từ - Bi - Hỷ - Xả của Đức Phật.

Dáng cây “Trong bùn có Sen”. Ảnh: THANH SƠN.

Dáng cây “Trái tim Bồ Tát” hình trái tim thoát ra khỏi vòng luân hồi, thể hiện sự thương yêu vô bờ bến… Ảnh: THANH SƠN.

Cũng có chùm cây với tên “Trái tim Bồ tát”, thể hiện sự thương yêu vô bờ bến với hình trái tim thoát ra khỏi vòng luân hồi. Trên một cây được tạo hình trái tim lớn, phía ngoài mang nhiều trái tim nhỏ, ông đặt tên là “Nhân quả” với ý nghĩa gieo yêu thương sẽ gặt thương yêu. Đây là các thế cây với tên: Niết bàn, Bất nhị, Tứ diệu đế, Ngũ giới, Bát chánh đạo, Vạn pháp giai không, Ngũ uẩn giai không…

Dáng cây "Ngồi Thiền" tác giả tạo thế cây với cảm hứng từ dáng của một người đang ngồi thiền dưới bóng cây Bồ Đề. Ảnh: THANH SƠN.

Khu vườn "Thiền đường Vipassana" có tới 150 cây, tất cả đều được tạo dáng các thiền sinh đang tĩnh lặng ngồi thiền. Ảnh: THANH SƠN.

Mỗi thế cây mang tên khác nhau, đồng thời cũng mang dáng vẻ khác nhau và gắn vào đó một triết lý liên quan tới Phật pháp. Nhiều cây chỉ 1 gốc nhưng dăm ba ngọn, có cây 2 gốc được tạo dáng như hai cánh tay đang chắp vào cầu nguyện và chỉ có một ngọn vươn lên; cũng có cây tự nhiên xoè ra 12 nhánh đều nhau được ông đặt tên “Mười hai nhân duyên” tượng trưng cho: Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục căn, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh.

Qua khu vườn thứ 2 mang tên "Thiền đường Vipassana" có tới 150 cây, tất cả đều được tạo dáng như các thiền sinh đang tĩnh lặng xếp hàng ngồi thiền. 

Dáng cây “Bất nhị”mang tính triết lý của Phật pháp. Ảnh: THANH SƠN.

Đạo Phật, không chỉ là Đạo mà còn là Đời

Dáng cây: Lạc Long Quân - Âu Cơ. Dáng cây Sa La tạo thành hình chữ S với 2 trái tim, tượng trưng cho mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. Đặc biệt tại hai trái tim, tác giả đã kéo dài tựa hai cánh tay, ôm chặt lấy dải đất hình chữ S nhằm thể hiện sự thuỷ chung gắn bó và yêu thương của dân tộc Việt Nam. Ảnh: THANH SƠN.

Theo ông nghĩ, đạo Phật là của nhân loại, nhưng với người Việt có mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước thì đạo Phật đều đồng hành cùng dân tộc, bởi vậy đạo Phật, không chỉ là Đạo mà còn là Đời nữa... Và thế là những cây Sala hình Tổ quốc với 2 trái tim xanh Hoàng Sa, Trường Sa; là cây đi cùng sự tích Lạc Long Quân, Âu Cơ với những cánh tay quấn quýt trên hình cây cong chữ S; là những cây đặt tên "Từ tâm cho hành tinh xanh" mang một thông điệp về bảo vệ môi trường... được ông tạo dáng ra đời.

Dáng cây Hoàng Sa - Trường Sa: Việt Nam. Trong đó 2 Quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam được trình bày bằng cách uốn cong cây Sa La thành hình chữ S, tượng trưng cho Tổ Quốc và bên cạnh phía biển Đông có hình ảnh hai trái tim mọc ra từ thân cây chính, thể hiện cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: THANH SƠN.

"Nói về đạo Phật - ngay cả nhiều người tu hành cũng không phải ai cũng hiểu hết được. Phật giáo là một tôn giáo, đồng thời cũng là một hệ thống bao gồm hàng loạt các giáo lý, tư tưởng triết học thế giới quan, tư duy về nhân sinh quan, vũ trụ. Những hiện tượng tự nhiên, tâm linh, xã hội, bản chất sự vật và sự việc… tất cả sẽ dễ hiểu hơn nếu được truyền tải qua những cây được tạo dáng như thế này.

Tôi năm nay 62 tuổi rồi, về hưu sẽ có nhiều thời gian cho vườn cây hơn, hiện tôi đang chăm sóc hàng trăm cây nhỏ và sẽ nghiên cứu tạo các dáng thế khác. Mong sao đây sẽ là điểm đến hoàn toàn miễn phí của nhiều khách du lịch không chỉ ở địa phương"- Ông Đúng chia sẻ.

Hàng trăm cây Sa La đang được ươm sẽ được ông Đúng tạo dáng trong thời gian tới. Ảnh: THANH SƠN.

Một buổi sáng thăm khu vườn độc đáo, nghe ông Đúng nói về từng dáng cây gắn với những triết lý về cuộc đời. Bỗng nhiên cảm giác mọi ưu phiền dường như đã được gột bỏ và thấy mình như thư thái, hướng thiện nhiều hơn. Chia tay và hẹn ông tết tới, khi cây trổ hoa sẽ rủ bạn bè trở lại thăm nơi này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm