Ngày 13-7, chị Nguyễn Thị Tú Anh (ngụ tổ dân phố 6, thị trấn Đức Phổ, Quảng Ngãi, người bị kết án oan trong một vụ tranh chấp dân sự bị hình sự hóa) cho biết chị vừa có buổi làm việc với đại diện TAND huyện Đức Phổ để thương lượng về khoản bồi thường thiệt hại do bị làm oan.
Bồi thường xong, phải hoàn trả ngân sách
Đây là một vụ án oan mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh. Trước đây, chị Tú Anh (giám đốc Công ty TNHH Tú Anh) và một số khách hàng quen có quan hệ mua bán bia, sau đó có tranh chấp. Dù chỉ là quan hệ làm ăn bình thường nhưng tháng 4-2012, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Phổ vẫn khởi tố, bắt tạm giam chị để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sáu tháng sau, CQĐT thay đổi tội danh thành lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau nhiều lần chuyển trả hồ sơ, tháng 5-2014, TAND huyện Đức Phổ đã xử phạt chị Tú Anh bảy năm tù.
Chị Tú Anh kháng cáo kêu oan. Tháng 9-2014, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã hủy án sơ thẩm để điều tra lại vì cấp sơ thẩm điều tra, thu thập chứng cứ không đầy đủ. Tháng 3-2016, CQĐT xác định “không đủ căn cứ xử lý tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với chị Tú Anh nên ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ điều tra bị can. Ngày 12-5, chị Tú Anh đã gửi đơn đến TAND huyện Đức Phổ yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần do bị oan và được tòa thụ lý…
Tại buổi làm việc với TAND huyện Đức Phổ nói trên, chị Tú Anh đã yêu cầu tòa này phải bồi thường cho chị tổng cộng hơn 11 tỉ đồng cho các khoản bị tạm giam oan gần 204 ngày và bị cấm đi khỏi nơi cư trú 1.214 ngày, tiền thu nhập bị mất do công ty phải đóng cửa, tổn thất về sức khỏe, chi phí thuê luật sư...
Đáng chú ý, tại buổi làm việc, chị Tú Anh còn yêu cầu thêm là sau khi tòa dùng ngân sách nhà nước bồi thường thiệt hại cho chị thì phải buộc các cá nhân đã gây ra oan sai hoàn trả lại số tiền này cho ngân sách và có thông báo lại cho chị biết. Đại diện TAND huyện Đức Phổ đã ghi nhận lại tất cả yêu cầu của chị Tú Anh.
Chị Tú Anh, người đang yêu cầu TAND huyện Đức Phổ bồi thường oan hơn 11 tỉ đồng. Ảnh: T.TÀI
Luật quy định sao?
Nhận xét về yêu cầu buộc các cá nhân gây ra oan sai phải hoàn trả lại số tiền bồi thường thiệt hại cho ngân sách, đồng thời thông báo lại về việc này của chị Tú Anh, hai ThS Từ Thanh Thảo và Nguyễn Trương Tín (Trường ĐH Luật TP.HCM) đều cho rằng đây là chuyện nội bộ của cơ quan nhà nước.
Theo hai chuyên gia trên, trước hết việc chị Tú Anh yêu cầu Nhà nước bồi thường do bị oan trong tố tụng hình sự là quyền của chị, là quan hệ pháp luật giữa chị và Nhà nước. Còn việc Nhà nước yêu cầu các cá nhân (người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại) thực hiện trách nhiệm hoàn trả lại là một mối quan hệ pháp luật khác, giữa Nhà nước và người thi hành công vụ.
Cạnh đó, không phải trường hợp nào người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cũng phải hoàn trả. Bởi lẽ theo Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành, chỉ khi nào người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mới phải có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Do đó, cơ quan chức năng còn phải xem xét lỗi của các cá nhân đã gây ra oan sai cho chị Tú Anh là cố ý hay vô ý để xác định họ có trách nhiệm hoàn trả hay không. Mặt khác, theo Nghị định 16/2010 của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước), việc hoàn trả do một hội đồng do cơ quan phải bồi thường thành lập xét duyệt mà không có sự tham gia của người bị thiệt hại.
“Đành rằng người bị thiệt hại có quyền giám sát, có quyền được thông tin nhưng hiện nay chưa có quy định buộc cơ quan bồi thường phải đáp ứng yêu cầu này của người bị thiệt hại” - ThS Nguyễn Trương Tín khẳng định.
Nhà nước chi hơn 111 tỉ, chỉ hoàn trả hơn 676 triệu Theo Bộ Tư pháp, việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại kể từ ngày Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 có hiệu lực cho đến ngày 31-12-2015 vẫn chưa được thực hiện kịp thời. Cụ thể, trong sáu năm này, số lượng vụ việc đã thực hiện trách nhiệm hoàn trả trong cả ba lĩnh vực (quản lý hành chính, thi hành án dân sự, tố tụng hình sự) là rất ít: Chỉ có 22 vụ việc với tổng số tiền hơn 676 triệu đồng. Trong khi đó, tổng số tiền Nhà nước bỏ ra bồi thường cho người bị thiệt hại là hơn 111 tỉ đồng. Cạnh đó, một số cơ quan có trách nhiệm bồi thường khi xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ lại chưa thực hiện đúng quy định như không xem xét yếu tố lỗi… Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) Trần Việt Hưng cho biết: Về trách nhiệm hoàn trả, dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) lần này về cơ bản vẫn như luật hiện hành nhưng dự kiến sẽ nâng mức hoàn trả. Việc xác định mức hoàn trả trong từng sự việc cụ thể được xác định căn cứ vào yếu tố lỗi, thiệt hại xảy ra và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của người thi hành công vụ với thiệt hại xảy ra. Ngoài trách nhiệm hoàn trả, người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại còn bị xem xét xử lý kỷ luật. Về cơ bản, trình tự, thủ tục, quy trình kỷ luật sẽ áp dụng theo Luật Cán bộ, công chức nhưng điểm khác biệt là có đặc thù về thời hạn xử lý và hình thức kỷ luật nhẹ nhất từ cảnh cáo trở lên (Luật Cán bộ, công chức quy định hình thức kỷ luật thấp nhất là khiển trách). Quy định như vậy để nâng cao tính răn đe bởi nếu hình thức kỷ luật chỉ là khiển trách thì không bị ghi vào hồ sơ cán bộ. Để xác định hình thức kỷ luật, bên cạnh các yếu tố thông thường như mức độ lỗi, thiệt hại gây ra do lỗi của người thi hành công vụ…, sẽ còn có căn cứ khác là số tiền Nhà nước phải bỏ ra để chi trả cho người bị thiệt hại. |