Đội ‘đặc nhiệm’ vịt cổ cò

Trong một cuộc nhậu rôm rả ở huyện Hồng Dân, Bạc Liêu, chúng tôi lần đầu tiên được nghe nói tới loài vịt lạ lẫm: Vịt cổ cò. “Ở xứ này có loài vịt cổ cò thịt ngon như vịt trời. Ai muốn ăn cứ ra ruộng bắt về ăn, không tốn đồng nào” - anh Út, một người dân Bạc Liêu, bật mí.

Dũng sĩ diệt sâu rầy

Bàn nhậu đang rôm rả bỗng dưng im bặt, ai nấy chăm chú nghe anh Út kể chuyện vịt cổ cò. Loài vịt này, theo anh Út, từ lâu đã có mặt đầy đồng, không cần cho ăn hay coi sóc. Nhiều người dân bỏ tiền mua giống vịt này về thả xuống ruộng để diệt sâu rầy rồi để mặc nó muốn đi đâu thì đi, ai muốn bắt thì bắt.

Quá tò mò, ngay sáng hôm sau (18-11), chúng tôi tìm về xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu, nơi anh Út bảo là xứ sở của vịt cổ cò.

Anh Trần Văn Viễn, cán bộ Huyện ủy Hồng Dân, có thửa ruộng 1 ha ở ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Lộc. Nghe hỏi về vịt cổ cò, anh hứng thú dẫn chúng tôi ra ruộng, vừa đi vừa kể: “Hôm nọ, anh Út hỏi tôi vừa làm nhà nước vừa làm ruộng thì sao có thời gian phun thuốc trừ sâu. Tôi nói với ảnh là tôi có vịt cổ cò làm thay rồi. Anh ấy hỏi tới mới biết câu chuyện vịt cổ cò xứ này đó chứ. Trước khi về đây tôi cũng đâu có biết” - anh Viễn bắt đầu câu chuyện.

Đứng trên bờ ruộng, anh Viễn đưa tay chỉ vào đám ruộng trước mắt, bảo rằng bầy vịt cổ cò 200 con của anh đang săn mồi trong đó. Thấy chúng tôi ngơ ngác tìm kiếm, anh Viễn giải thích: “Chúng nó mới hai tuần tuổi, còn rất nhỏ nên khó phát hiện lắm. Nhưng cứ an tâm, lũ vịt thích tiếng động lắm. Cứ đứng đây nói chuyện một lúc chúng nó nghe sẽ bu lại chơi”.

Anh Viễn cho hay đã về Hồng Dân làm ruộng từ ba năm qua, được nông dân ở đây chỉ bảo nên nuôi vịt cổ cò, không cần thuốc trừ sâu. Nghe theo, năm nào cũng vậy, cứ sạ lúa xuống khoảng 12 ngày là anh mua vịt cổ cò giống về thả xuống ruộng. Lũ vịt cứ theo bản năng tự nhiên rúc vào các đám lúa tìm bắt sâu, rầy, bướm, ốc bươu vàng… Đến khi lúa chín, thu hoạch xong thì xem như lũ vịt hoàn thành sứ mạng. Anh Viễn bắt chúng nhốt vào một khu để dành ăn tết. “Ba năm qua, năm nào tôi cũng thả 200 con. Cuối vụ lúa còn được 50-60 con. Vịt hao hụt là do lúc còn nhỏ bị chuột cắn hoặc ruộng nhà hết thức ăn nên nó đi qua các ruộng khác” - anh Viễn giải thích.

Đội “đặc nhiệm” diệt sâu rầy của bà Ba Tươi trước khi “xuất kích”. Ảnh: TRẦN VŨ

Khi được thả xuống ruộng, bầy vịt nhanh chóng tản ra, lao vào các đám lúa tìm bắt sâu rầy. Ảnh: TRẦN VŨ

Vịt cổ cò trưởng thành đang được người dân nhốt lại để ăn thịt và cho láng giềng. Ảnh: TRẦN VŨ

Chi phí ít, thu lợi nhiều

Từ ngày thả vịt cổ cò tới nay, hiệu quả thấy rõ là anh Viễn không cần tốn tiền mua thuốc trừ sâu. Anh tính nhẩm: “Nếu gặp sâu cuốn lá, thửa ruộng 1 ha của tôi phải tốn hơn 1 triệu đồng tiền thuốc, nhân công để xử lý. Gặp phải rầy nâu thì chi phí nặng hơn, đến 1,5 triệu đồng. Trong khi tôi chỉ tốn 160.000 đồng mua 200 con vịt giống là xong vụ lúa. Đến tết lại có thịt vịt ăn thoải mái, còn dư dả đem cho lối xóm bà con”.

Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được biết vịt cổ cò giống giá rất rẻ, chỉ 800 đồng/con. Ông Kiều Văn Quân, thường gọi Út Quân, nguyên Bí thư chi bộ ấp Vĩnh Bình 2, cho biết: “Do giá vịt giống rẻ nên nhiều nông dân thả vịt cổ cò xuống ruộng rồi bỏ mặc, không cần chăm sóc. Đến khi thu hoạch lúa xong cũng không thèm bắt chúng. Nhiều người khác thấy tội nghiệp chúng nên nhốt lại, cho ăn rồi ai xin thì cho người ta ăn thịt”.

Theo ông Quân, việc nuôi vịt cổ cò trị sâu rầy đã xuất hiện tại xã Vĩnh Lộc khoảng 7-8 năm nay, từ khi vùng này chuyển dịch sản xuất từ chuyên lúa sang mô hình trồng lúa - nuôi tôm. Do nhu cầu của dân ngày càng lớn nên bên xã Vĩnh Ty, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang hiện đã hình thành nhiều trại giống chuyên cung cấp vịt cổ cò cho nông dân các nơi. Tùy theo thời điểm, dân cần nhiều hay ít mà giá vịt cổ cò dao động 500-900 đồng/con giống.

“Điểm 10 cho vịt cổ cò”

Khả năng diệt sâu, rầy của vịt cổ cò đã được nông dân Vĩnh Lộc xác nhận từ nhiều năm qua. Vợ chồng ông Võ Văn Tươi (Ba Tươi, ngụ ấp Vĩnh Bình) kể: Năm 2011, có một công ty chuyên cung cấp lúa giống đến ấp Vĩnh Bình hợp tác với một số hộ nông dân để thí điểm trồng một loại giống lúa mới. Khi lúa chưa kịp trổ đòng thì rầy nâu xuất hiện dày đặc (dân gian gọi là cháy rầy).

Rầy cháy lan nhanh qua ruộng Ba Tươi, tình hình nguy ngập. Công ty lúa giống vội cử người mang thuốc trừ sâu rầy đến đưa cho bà Ba Tươi. Bà Ba xịt thuốc xong thấy không ổn nên chạy qua bên xã Vĩnh Ty mua 300 con vịt cổ cò giống về thả xuống. “Vịt cổ cò hiệu quả hơn thuốc trừ sâu rầy nhiều. Năm đó chúng nó đã cứu được một nửa đám ruộng của tôi. Phải chi tôi nuôi chúng ngay từ đầu vụ, để chúng lớn một chút, chỉ cần bằng nắm tay thôi thì đám lúa nhà tôi không chết một cây nào” - bà Ba nhớ lại.

Từ sau sự cố đó, bà Ba năm nào cũng chuẩn bị một đội “đặc nhiệm” 300 con vịt cổ cò để sẵn sàng tiêu diệt lũ sâu rầy hại lúa. Và thực tế, thửa ruộng của bà nhiều năm qua không còn phải phun thuốc trừ sâu rầy nữa, năng suất đạt 7-8 tấn/ha.

Ông Ba Tươi nói thêm: “Hai năm trước, một công ty chuyên bán thuốc trừ rầy đến quảng bá một loại thuốc cực tốt. Xịt xuống một lần bảo vệ đám ruộng hết vụ luôn. Nhưng sau vụ lúa, đến vụ tôm thì nông dân khổ sở bởi tôm thả xuống được một tháng tuổi thì chết sạch. Thế nên dân ở đây chỉ xài vịt cổ cò thôi. Sau nhiều năm trải nghiệm, nông dân Vĩnh Lợi đều chấm “điểm 10” cho con vịt cổ cò”.

Chưa thấy vịt cổ cò gây tác hại gì

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thới, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết: “Dùng vịt cổ cò diệt sâu rầy là một sáng tạo của nông dân xã Vĩnh Lộc, ứng dụng 7-8 năm qua. Chúng tôi đang theo dõi kỹ cách làm này và khẳng định nó rất hiệu quả, giúp giảm chi phí sản xuất, bảo vệ được môi trường sản xuất bền vững cho nông dân. Đến thời điểm này chúng tôi chưa phát hiện có tác hại gì về môi trường từ vịt cổ cò”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm