Dời nhà ven kênh: Có cần giải tỏa trắng?

“Tại sao nhiều năm nay người dân vẫn tồn tại trong mô hình nhà ở ven kênh rạch? Chúng ta đừng nghĩ giải tỏa trắng là thành công vì trong đó có một bộ phận người dân muốn sống như vậy. Tôi cho đó là cảnh quan, nên giữ và phát huy nó, biến nó thành lịch sử phát triển của đô thị”.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM, nhìn nhận như trên tại hội nghị “Nhà ở ven và trên kênh rạch TP.HCM: Thực trạng và giải pháp” do Hội Kiến trúc sư TP.HCM tổ chức ngày 28-11.

Không phải giải tỏa trắng là thành công

Đồng tình với ông Nguyễn Hoài Nam, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hữu Thái cho hay kinh nghiệm của các nước trên thế giới khi giải tỏa các nhà trên kênh rạch, nếu có đến 60%-70% người dân ở lại là thành công. Như vậy, làm sao ít nhất 50% người dân ở lại, làm sao cho nét đẹp của TP, nét đẹp đặc thù ở miền Nam là sống trên kênh rạch được tồn tại.

“Trên thế giới vẫn có nhiều kênh mà nhà cửa sát mép kênh, phát triển du lịch đi thuyền trên kênh rất đẹp. Vì vậy, các KTS phải nghiên cứu thêm. Không phải giải tỏa sạch hai bên là tốt. Vấn đề còn lại là làm sao để nếp sống đó sạch sẽ, kỷ luật hơn” - KTS Thái nêu ý kiến.

Bà Phạm Ngọc Lan (phường 5, quận 8, TP.HCM) lo lắng việc tái định cư khi khu vực nhà ở ven và trên kênh Đôi bị giải tỏa.  Ảnh:  LÊ THOA

Có cần chừa hành lang ven kênh?

TS-KTS Nguyễn Thiềm cho rằng việc chừa hành lang giao thông - cây xanh ven kênh Đôi đường Phạm Thế Hiển (và một số nơi khác) là khá đơn điệu. Bởi chỉ có mảng cây xanh xuyên suốt kênh. Không những vậy phương án này còn phi kinh tế do việc đầu tư quá lớn mà không mang lại hiệu quả xã hội đáng kể.

“Chưa thấy nước nào quy định về hành lang sông, rạch vì đất đai hai bên sông, rạch là các khu đất vàng, được khai thác nhằm đem lại lợi ích cho địa phương và nhà đầu tư. Duy trì hành lang sông, rạch vừa làm lãng phí đất đai và làm giảm giá trị kiến trúc và giá trị sử dụng của công trình” - TS Thiềm nói thêm.

KTS Nguyễn Đình Hòa cũng cho rằng việc duy trì hành lang sông, rạch có thể linh động, không cứng nhắc để tránh việc lãng phí quỹ đất...

Lo lắng tái định cư

Cùng ngày, chúng tôi đã trở lại khu vực nhà ở ven và trên kênh Đôi (quận 8, TP.HCM). Bà Ngô Kim Thanh (phường 5) sụt sùi: “Cách đây hơn một tháng có cán bộ phường, quận xuống đo đạc nhà cửa cũng nói sẽ di dời các nhà ven và trên kênh này cho đến năm 2020. Nhưng mà khổ quá, nghe nói nhà tôi chỉ được hỗ trợ một ít tiền chứ không được bố trí tái định cư gì cả vì nhà không có giấy tờ. Mai này không biết sống thế nào”... Nhiều người dân khác cũng lo lắng như vậy.

Từ nay đến năm 2025, TP.HCM dự kiến di dời, giải tỏa gần 20.000 hộ trên và ven kênh rạch để thực hiện công tác chỉnh trang đô thị. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 (2015-2020) sẽ tập trung giải tỏa, di dời 9.805 căn nhà ven kênh và sẽ giải tỏa, di dời tiếp 19.524 căn nhà trong giai đoạn 2 (2020-2025). Song song với việc tổ chức tái định cư cho người dân, TP chỉnh trang lại khu vực ven kênh rạch này thành những khu đô thị đáng sống.

_______________________________

Gần 20.000 căn nhà ven kênh rạch thuộc dự án phải giải tỏa ngay. Quyết tâm của lãnh đạo TP.HCM là làm sao tổ chức được cuộc sống người dân TP, tổ chức được đô thị TP phát triển nhưng phải giữ được giá trị văn hóa bền vững. Đó là những giá trị chúng ta đã từng tìm tòi, sáng tạo, đột phá bằng nhiều cơ chế chính sách để làm.

Ông TẤT THÀNH CANG, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM

TP có thể đưa ra mục tiêu, yêu cầu chỉnh trang dự án và đưa ra cơ chế mở để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước cùng tham gia thực hiện… Đây là việc hợp tác công tư, các bên cùng có lợi.

TSKH-KTS NGÔ VIẾT LÂM SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới