Đối phó ma túy khu ‘tam giác vàng’ tuồn về Việt Nam

“Lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy cơ bản nắm và quản lý được tình hình tội phạm sản xuất trái phép ma túy trong nước” - Đại tá Vũ Văn Hậu (ảnh), Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an, cho hay nhân tháng hành động phòng, chống ma túy.

Đại tá Hậu cũng cho hay là tội phạm ma túy thế giới và khu vực “tam giác vàng” có dấu hiệu gia tăng, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới gây khó khăn cho việc triệt phá của lực lượng chức năng...

Tội phạm sử dụng công nghệ 4.0 để hoạt động

. Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về những thủ đoạn mới của tội phạm ma túy?

+ Đại tá Vũ Văn Hậu: Tội phạm ma túy đang lợi dụng không gian mạng để hoạt động mua bán trái phép chất ma túy. Đang xuất hiện tình trạng đưa các chất ma túy vào bánh kẹo rồi rao bán trên mạng; sử dụng dịch vụ bưu chính đưa ma túy từ các nước châu Âu về Việt Nam.

Việc tổ chức sử dụng và chứa chấp sử dụng trái phép ma túy có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Có hiện tượng tổ chức, lôi kéo, cưỡng bức sử dụng trái phép chất ma túy ở quán bar, vũ trường, quán karaoke...

Đáng lưu ý là ngay cả trong thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, nhiều cơ sở vẫn lén lút hoạt động, tổ chức sử dụng ma túy.

Các chất ma túy tổng hợp làm người sử dụng rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi (ngáo đá) gây ra các hành vi nguy hiểm cho xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp...

. Điều lo ngại là tội phạm ma túy liên tục điều chế, sản xuất ra các loại ma túy mới với những thành phần, tiền chất không thuộc danh mục chất ma túy mà chúng ta đã ban hành để quản lý. Ông nhận định gì về tình hình này?

+ Phải minh định rằng các nhóm tội phạm điều chế và sản xuất ra các loại ma túy mới đều nằm ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Hiện các loại tiền chất mới được sử dụng sản xuất trái phép ma túy tổng hợp là loại hàng hóa có tính chất lưỡng dụng, vừa phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, vừa là nguyên liệu để sản xuất ma túy tổng hợp. Vì vậy, quản lý, kiểm soát nó rất khó, không chỉ ở nước ta mà thế giới cũng gặp phải điều này.

Nhận thức tính chất quan trọng của tiền chất trong việc sản xuất trái phép ma túy, Bộ Công an (trực tiếp là Cục CSĐT tội phạm về ma túy) luôn nắm tình hình trong khu vực, thế giới và khuyến cáo của Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB), kịp thời đưa các chất ma túy, tiền chất mới vào danh mục quản lý của Chính phủ.

Do đó, tất cả các loại tiền chất phổ biến có thể sử dụng sản xuất ma túy tổng hợp đều có trong danh mục quản lý nhưng vẫn có việc sản xuất ma túy tổng hợp trong nước là do chúng ta còn sơ hở trong việc quản lý, kiểm soát.

Cục đã và đang phối hợp với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành và địa phương rà soát và tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các loại tiền chất. 

Rạng sáng 26-6, khi bị Công an tỉnh Hà Tĩnh truy đuổi, hai người trên ô tô vứt hai ba lô chứa 31 kg ma túy đá. Ảnh nhỏ: Công an liên tục bắt giữ ma túy tuồn từ các cửa khẩu Lào, Campuchia vào Việt Nam. (Ảnh do công an cung cấp)

Còn nhiều kẽ hở trong quản lý tiền chất

. Thách thức đặt ra cho lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy là rất lớn, xin ông cho biết cuộc chiến với loại tội phạm này đã và đang được triển khai như thế nào...?

+ Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và trong khu vực, nhất là khu vực “tam giác vàng” (khu vực biên giới Thái Lan - Lào - Myanmar), do vậy tình hình tội phạm ma túy ở nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, phức tạp.

Tuyến biên giới của Việt Nam trải dài, phần lớn là rừng núi hiểm trở, có nhiều cửa khẩu lớn, nhỏ và rất nhiều đường mòn, lối mở, trong khi lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy còn mỏng... nên công tác phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm soát ma túy gặp rất nhiều khó khăn.

Các tuyến đường biển, đường hàng không, bưu điện có phạm vi rộng và rất khó kiểm soát trong điều kiện thiếu cả về nhân lực và vật lực. Trong khi đó, không gian mạng Internet được cảnh báo sẽ sớm trở thành địa bàn mới của tội phạm ma túy.

Hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động hơn, đặt ra nhiều thách thức.

Tình trạng mua bán, sử dụng trái phép các loại ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, nếu không có biện pháp quản lý tiền chất hiệu quả, không bịt những sơ hở trong công tác quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ nhạy cảm thì có thể sẽ hình thành nhiều điểm, tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài, nhất là tội phạm người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) có nguy cơ gia tăng, gây ra rất nhiều thách thức trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý. Điều này thậm chí còn tác động đến cả lĩnh vực chính trị - ngoại giao và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường thu hút đầu tư, kinh doanh của nước ta.

Lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy nói chung và lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy nói riêng vẫn còn thiếu về số lượng, trình độ và nghiệp vụ không đồng đều.

Các biện pháp nghiệp vụ cơ bản còn chưa thường xuyên, chất lượng, hiệu quả chưa cao; các loại thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ tuy đã được bổ sung nhưng còn thiếu, một số đã cũ kỹ, lạc hậu, hỏng hóc, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công tác, chiến đấu...

65 người bị sát hại từ năm 2014 đến 2019 do người “ngáo đá” gây ra.

Hơn 32.500 người chơi ma túy tại quán bar, vũ trường, karaoke và có đến gần 19.000 người nghiện, sử dụng ma túy phạm các tội cướp, giết người, hiếp dâm, trộm cắp, cố ý gây thương tích.

(Theo báo cáo của C04, Bộ Công an) 

Thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát

. Vậy giải pháp nào để ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm ma túy, giảm thiểu hệ lụy từ ma túy gây ra cho cộng đồng, xã hội, thưa ông?

+ Để phòng ngừa tội phạm ma túy phải giải quyết tốt đồng thời hai vấn đề đó là cung và cầu.

Về vấn đề cung, lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy phải tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, điều tra khám phá các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia, có yế u tố nước ngoài, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm (đường bộ, đường biển, đường hàng không, tuyến bưu điện chuyển phát nhanh, không gian mạng Internet…). Mặt khác, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh hợp pháp sử dụng các tiền chất, hóa chất để lợi dụng sản xuất trái phép chất ma túy.

Về nguồn cầu, cần thực hiện tổng rà soát người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trên toàn quốc để có cơ sở đánh giá toàn diện, chính xác thực trạng người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy ở Việt Nam, từ đó đề ra những chính sách, biện pháp quản lý phù hợp, góp phần làm giảm nguồn cầu ma túy.

Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy, nhất là số có biểu hiện rối loạn tâm thần, “ngáo đá”, có phương án phát hiện, ngăn chặn kịp thời, không để gây ra các vụ phạm pháp hình sự. Theo thống kê, độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên. Vì vậy, cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng và khai thác tối đa hiệu quả của các mạng xã hội, các diễn đàn Internet của giới trẻ. Ngoài nội dung về tác hại khủng khiếp của ma túy tổng hợp cần phổ biến, trang bị cho giới trẻ các kỹ năng tự bảo vệ bản thân để không bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy tổng hợp.

. Xin cám ơn ông.

Tội phạm ma túy gia tăng trong dịch COVID-19

Sáu tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến đặc biệt phức tạp trên phạm vi toàn cầu nhưng tội phạm ma túy ở nước ta vẫn có chiều hướng gia tăng.

Các lực lượng chức năng đã phát hiện 12.215 vụ (tăng 9,46% số vụ so với cùng kỳ năm 2019), 15.775 người phạm tội về ma túy (tăng 0,3%); thu giữ 235 kg heroin; gần 1,6 tấn và gần 1 triệu viên ma túy tổng hợp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm