Trong suốt một tuần, kể từ ngày 24-11, toàn bộ tỉnh Đắk Nông sẽ chìm đắm trong lễ hội văn hóa thổ cẩm cũng như nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật để đón nhận danh hiệu Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu của UNESCO trao cho CVĐC Đắk Nông.
Nhiều điểm của công viên địa chất được đưa vào tour
Từ tháng 7-2020, tổ chức UNESCO đã thông qua quyết định công nhận CVĐC Đắk Nông (tỉnh Đắk Nông) là CVĐC toàn cầu. Tuy nhiên, do tình hình COVID-19 mà đến nay tỉnh Đắk Nông mới tổ chức được chuỗi những hoạt động văn hóa, xúc tiến du lịch nhằm bảo tồn các di sản văn hóa tại địa phương và kết hợp với phát triển kinh tế bền vững...
Trong suốt gần một tuần (từ ngày 24 đến 30-11), khu đảo nổi, hồ Gia Nghĩa (TP Gia Nghĩa, Đắk Nông) và tại một số điểm danh lam thắng cảnh, du lịch, điểm di sản văn hóa trên địa bàn các huyện, TP sẽ chìm trong không gian văn hóa, thổ cẩm.
Hôm nay (24-11), từ 13 giờ, hội nghị giới thiệu, quảng bá hình ảnh và kêu gọi đầu tư du lịch tỉnh Đắk Nông sẽ mở màn cho hàng loạt hoạt động văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, điểm nhấn của ngày 24-11 là lễ khai mạc Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ hai tại khu đảo nổi. Lễ khai mạc cũng là buổi đón nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu của UNESCO trao cho CVĐC Đắk Nông.
Cho đến hiện tại, để có thể vận hành hiệu quả CVĐC toàn cầu Đắk Nông cho khai thác du lịch vẫn còn nhiều khó khăn. Trong tổng số 44 điểm di sản thuộc ba tuyến của CVĐC toàn cầu Đắk Nông có một số công trình bị hư hỏng, không thể vận hành được: Nhà trưng bày cồng chiêng người Mạ ở xã Đắk Nia, nhà trưng bày đàn đá ở xã Đắk R’Moan (TP Gia Nghĩa), điểm thác Trinh Nữ (huyện Cư Jút), điểm gỗ hóa thạch (TP Gia Nghĩa)… Các điểm này chưa thể đón khách tham quan và bị xâm hại nhiều.
Hiện phía Ban quản lý CVĐC toàn cầu Đắk Nông chọn được năm điểm nổi bật để tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch: Cầu Sêrêpôk (huyện Cư Jút); núi lửa Nâm Kar, cánh đồng lúa ven núi lửa (huyện Krông Nô); đầu tư mới Trung tâm thông tin CVĐC toàn cầu Đắk Nông ở huyện Đắk Song.
Các thí sinh Hoa khôi du lịch Việt Nam chụp ảnh quảng bá cho hồ Tà Đùng thuộc Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Tối 29-11, chung kết Hoa khôi du lịch Việt Nam sẽ diễn ra tại Đắk Nông. (Ảnh do ban tổ chức cung cấp)
Hai điểm địa chất gồm mỏ nguyên liệu nhôm và mỏ cao lanh tại xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong) sẽ được tích hợp tại làng nghề đan lát ở bon Kon Hao để tạo thành một điểm tham quan trải nghiệm du lịch cộng đồng. |
Đem công nghệ tôn vinh văn hóa
Trước lễ khai mạc Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ hai tại khu đảo nổi, hồ Gia Nghĩa, đạo diễn Trần Vi Mỹ, tổng đạo diễn chương trình lễ khai mạc Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam, cho biết: “Đây là một lễ hội hoàn toàn khác lễ hội khác bởi những công nghệ hiện đại nhất được đưa vào để tôn vinh văn hóa thổ cẩm của đồng bào các dân tộc. Các công nghệ hologram, mapping, kabuki… sẽ giúp tạo nên một chương trình nghệ thuật với ít diễn viên minh họa hơn. Điểm nhấn của đêm nghệ thuật là tiết mục hologram chuyển tải con đường thổ cẩm từ thuở hồng hoang đến nay. Ở đó sẽ tái hiện hành trình thổ cẩm len lỏi vào đời sống người dân tộc lẫn du khách và miền xuôi… ra sao”.
Đêm khai mạc sẽ có sự tham gia của các ca sĩ Quang Dũng, Thanh Lam, Võ Hạ Trâm, Thảo Trang, Dương Quốc Hưng… và đoàn nghệ thuật tỉnh Đắk Nông.
Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ hai năm 2020 tại tỉnh Đắk Nông mang chủ đề Lễ hội văn hóa và du lịch - Tinh hoa phương Đông được tổ chức với quy mô toàn quốc. Trong đó, ngoài các đoàn nghệ thuật trong nước còn có các đoàn nghệ nhân, diễn viên các nước Lào, Campuchia, Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM tham gia. Lễ hội là sự tham gia của 14 tỉnh, TP có văn hóa địa phương đặc sắc: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Ninh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Phước, Tiền Giang, Bạc Liêu, An Giang và Đắk Nông.
Ngoài lễ khai mạc, khu đảo nổi, hồ Gia Nghĩa sẽ là không gian văn hóa thổ cẩm với triển lãm cũng như nơi để du khách thực nghiệm văn hóa thổ cẩm Việt Nam… Một chương trình thời trang mang tên “Fashion show - Thổ cẩm” sẽ diễn ra vào ngày 27-11 trong không gian rừng thông. Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ hai năm 2020 sẽ bế mạc vào tối 29-11.
CVĐC toàn cầu Đắk Nông có diện tích hơn 4.700 km2, bao trùm qua sáu huyện, TP của tỉnh gồm Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và TP Gia Nghĩa. Trước CVĐC Đắk Nông, Việt Nam có hai khu vực khác được UNESCO trao danh hiệu CVĐC toàn cầu là cao nguyên đá Đồng Văn (năm 2010) và non nước Cao Bằng (năm 2018). Cho đến hiện tại, toàn thế giới có 161 CVĐC toàn cầu trải rộng trên 44 quốc gia. |
(PLO)-Dự kiến hồ sơ Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh sẽ được trình UNESCO cuối tháng 11-2019 để xem xét công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.