Khu vực tổ 9, ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai nằm trong vùng quy hoạch xây dựng khu đô thị công nghiệp Thạnh Phú. Trước năm 2007, tại đây chỉ có 35 căn nhà xây trái phép nhưng đến nay đã tăng lên khoảng 700 căn.
Sau khi UBND tỉnh Đồng Nai lập đoàn thanh tra, việc xây dựng trái phép tuy có lắng xuống nhưng vẫn đang âm thầm diễn ra từng ngày, từng giờ.
Lo tiền cà phê là xong ngay
Trong vai người có nhu cầu mua đất giá rẻ để xây nhà, ngày 10-8 chúng tôi đến khu vực tổ 9, ấp 1 để tìm hiểu. Rẽ vào một con đường đất gồ ghề, chúng tôi thấy hai bên đường hầu hết là những căn nhà cấp bốn, được xây dựng khá tạm bợ.
Ghé vào căn nhà vừa mới xây xong, chưa kịp hoàn thiện nội thất, chúng tôi được chị Minh - chủ nhà cho biết: “Tôi mua đất rồi âm thầm xây nhà, khỏi cần xin phép xây dựng vì xin cũng không được”. Theo chị Minh, gần đây việc xây dựng hơi khó khăn vì sau khi tỉnh thanh tra thì bên xã làm gắt hơn. “Nhà tôi nằm trong danh sách bị cưỡng chế chung với năm ngôi nhà khác. Tuần trước xã điều xe xúc xuống cưỡng chế nhưng tôi phản ứng dữ nên họ rút về” - chị Minh nói.
Anh Hùng, hàng xóm của chị Minh, khẳng định: “Cứ chung cho mấy ổng vài triệu đồng là xây nhà thoải mái. Người ta xây được thì mình cũng xây được. Không lo tiền cà phê, họ sẽ gây khó khăn thôi. Nếu chú quen bên địa chính thì gặp trực tiếp đưa tiền. Còn không quen thì cứ đưa tiền cho trưởng ấp rồi họ tự chung chi với nhau”.
Ông Năm, thợ sửa xe ở ấp 1, mách nước thêm: “Hay cậu cứ tìm gặp cán bộ xã, nói là giờ không có chỗ ở nên xin cất cái nhà, có gì các anh thông cảm giùm. Cứ đưa 5 triệu đồng thì họ sẽ bỏ qua thôi. Người ta xây ầm ầm ra đó. Nếu đập thì cả 700 căn nhà ở đây đã bị đập hết rồi”.
Nhiều căn nhà vẫn đang được hối hả xây dựng tại ấp 9.
Bà Tiếp, một “cò” đất, đang chỉ khu đất nông nghiệp mà nếu chúng tôi mua thì bà bao xây dựng luôn. Ảnh trong bài: T.DŨNG
Bán đất bao xây dựng
Chúng tôi vào nhà ông Đạt ngụ gần đó hỏi mua một mảnh đất để xây nhà gấp. Ông Đạt nói có đất bán nhưng chỉ sang nhượng giấy tay. “Lúc này đang “nóng”, muốn xây phải đợi vài bữa cho tình hình lắng xuống. Còn trước đây xây rất dễ, chỉ cần mời cán bộ xã uống cà phê hoặc nhậu nhẹt, mất vài triệu là xong” - ông Đạt nói.
Chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà bà Tiếp, một “cò” đất trong khu vực. Lúc đầu bà Tiếp e dè cho biết thời điểm này mua bán đất thì được, còn cất nhà phải đợi qua tháng 10. Thế nhưng khi thấy chúng tôi nói quá cần chỗ ở, bà Tiếp liền bảo chờ một chút để “chị gọi điện hỏi cậu em xem có bao xây nhà được không”.
Sau khi trao đổi với “cậu em” xong, bà Tiếp quay sang cười bảo chúng tôi cứ an tâm, mua đất xong sẽ xây nhà được ngay, chỉ cần chung chi 5-7 triệu đồng là ổn. Nói rồi bà Tiếp đưa chúng tôi đi xem miếng đất rộng chừng 100 m2, chắc giá 65 triệu đồng. “Chuyện chung chi bên địa chính xã để chị lo, chú cứ đưa 5-7 triệu đồng là được” - bà Tiếp dặn với theo khi chúng tôi bảo sẽ về nhà lấy tiền rồi quay lại.
Tiếp tục đi về khu vực cuối ấp, chúng tôi thấy một tấm biển lớn rao bán đất. Chưa kịp gọi cho số điện thoại ghi trên tấm biển, một người đàn ông tên Toàn đã tới hỏi muốn mua đất thì anh ta bán cho, giá hợp lý, đất đẹp.
Khi nghe hỏi mua đất rồi xây nhà ngay được không, ông Toàn trả lời đó là chuyện nhỏ. Muốn xây ngay thì chỉ cần chung vài triệu đồng, có biên lai hẳn hoi. Thấy chúng tôi tỏ vẻ chưa tin, anh ta cho biết có thể bao xây trọn gói luôn, người mua chỉ cần trả tiền và dọn tới ở khi nhà xây xong.
“Cách đây khoảng hai tuần thì việc xây nhà khó lắm. Những nhà bị cưỡng chế là do xã mời lên làm việc nhiều lần mà chủ nhà không chịu lên, mấy ổng bực mới đập nhà. Còn nếu mình biết ý chung chi trước thì không sao” - ông Toàn nói chắc nịch.
Kiểm điểm cá nhân, tập thể liên quan
Trước thực trạng xây nhà trái phép ở tổ 9, ấp 1, cuối năm 2013 UBND tỉnh Đồng Nai đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành. Trong bản kết luận ngày 10-1, đoàn thanh tra khẳng định “qua các hồ sơ và kiểm tra thực tế hiện trường cho thấy các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng diễn ra thường xuyên, liên tục ở tổ 9, ấp 1 suốt từ năm 2007 đến nay”.
Theo kết luận thanh tra, số lượng công trình do UBND xã Thạnh Phú kiểm tra, lập hồ sơ xử lý thấp hơn nhiều so với số lượng công trình vi phạm. Những người bị xử phạt chỉ nộp tiền phạt chứ không chịu tháo dỡ nhà theo quyết định xử phạt. Tuy nhiên, UBND xã Thạnh Phú và huyện Vĩnh Cửu lại không kiên quyết xử lý, dẫn đến việc người dân coi thường pháp luật, tình trạng xây dựng trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra, kéo dài.
“Qua đó cho thấy công tác quản lý nhà nước và xử lý vi phạm của UBND xã Thạnh Phú và các tổ chức, cá nhân liên quan của địa phương không chặt chẽ, thiếu kiên quyết. Trách nhiệm này thuộc về UBND xã Thạnh Phú, Đội Thanh tra xây dựng huyện Vĩnh Cửu, UBND huyện Vĩnh Cửu và các phòng, ban liên quan” - kết luận nêu rõ.
Ngày 16-1, chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu đã có văn bản nghiêm túc phê bình, rút kinh nghiệm đối với ông Mai Văn Trên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú. Ông Lê Văn Hai, Chủ tịch HĐND xã Thạnh Phú (nguyên Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú từ năm 2004 đến tháng 7-2010), bị kỷ luật khiển trách vì chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ông Lê Văn Tịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, bị cảnh cáo vì thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, để xảy ra các hoạt động xây dựng trái phép và sử dụng đất không đúng mục đích.
Đáng chú ý, dù kết luận thanh tra yêu cầu phải xử lý 655 căn nhà xây trái phép sau năm 2006 (buộc khôi phục nguyên hiện trạng ban đầu) nhưng tới nay điều này vẫn chưa được xã Thạnh Phú và huyện Vĩnh Cửu thực thi. Không những thế, tình trạng xây dựng trái phép ở đây vẫn âm thầm diễn ra như đã phản ánh ở trên.
Để có thông tin đa chiều, chúng tôi đã nhiều lần xin gặp lãnh đạo huyện Vĩnh Cửu nhưng không thành công. Trong khi đó, chiều 12-8, một lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho hay: “Vụ việc đang được tỉnh tiếp tục làm rõ”.
TIẾN DŨNG
Theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 14-11-2013 tại tổ 9, ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu có 700 công trình xây dựng, gồm năm nhà xưởng và 695 căn nhà. Trong đó có 45 căn nhà xây dựng trước năm 2006 và 655 công trình xây sau thời điểm 2006. UBND xã Thạnh Phú đã lập 174 biên bản xử lý vi phạm hành chính, còn lại 481 công trình không lập biên bản. Trong 174 biên bản xử lý vi phạm hành chính có 128 biên bản đã ban hành quyết định xử lý vi phạm với 150 quyết định xử lý vi phạm hành chính, còn 46 biên bản không ban hành quyết định xử phạt. |