Dự án ‘đắp chiếu’ vì thiếu tiền chứ không phải thiếu năng lực

Chiều muộn 8-3, HĐXX xét hỏi bị cáo Trịnh Xuân Thanh trong vụ án liên quan đến sai phạm tại dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ.

Bị cáo là người duy nhất trong số 12 bị cáo hầu tòa về cả hai tội danh vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trả lời HĐXX. Ảnh: TTXVN

Theo cáo buộc của VKS, với vai trò chủ tịch HĐQT, Trịnh Xuân Thanh biết rõ liên danh của PVC không đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện gói thầu TK05. Tuy nhiên, bị cáo vẫn tiếp nhận sự chỉ đạo của Đinh La Thăng và Trần Thị Bình ký các văn bản gửi PVN và PVB xin được chỉ định thầu.

Bị cáo cũng chủ trì cuộc họp HĐQT và Ban tổng giám đốc PVC có nội dung đồng ý thức hiện gói thầu TK05 với mức giá hơn 59 triệu USD, ký công văn gửi bị cáo Đinh La Thăng cam kết thực hiện gói thầu… Các hành vi này dẫn tới dự án bị dừng thi công, gây thiệt hại hơn 543 tỉ đồng.

Trả lời trước tòa, Trịnh Xuân Thanh khai khi nắm được thông tin về dự án Ethanol Phú Thọ, PVC có công văn xin tham gia xây dựng, sau đó PVB thông báo đấu thầu công khai.

Lúc này, các đơn vị kỹ thuật của PVC báo cáo về việc công ty không đạt một số tiêu chí mà hồ sơ yêu cầu đề ra. Thấy vậy, Trịnh Xuân Thanh ký văn bản đề nghị PVB thay dổi một số chỉ tiêu cho phù hợp.

“Thực tế thời điểm đó, không có bất cứ một doanh nghiệp nào ở Việt Nam đạt đủ các yêu cầu đưa ra. Không phải lúc nào cũng bắt buộc nhà thầu phải đạt 100% tiêu chí, có thể 70% hoặc 80%, trừ các tiêu chí bất khả kháng thì bắt buộc phải đáp ứng” – bị cáo giải thích.

Chủ tọa hỏi Trịnh Xuân Thanh biết PVC không đáo ứng những tiêu chí nào? Bị cáo nói theo như mình biết thì PVC không đáp ứng về yêu cầu từng thực hiện dự án có công suất 100 triệu lít/năm và một số yêu cầu về đội ngũ cán bộ.

Quá trình xét hỏi, Trịnh Xuân Thanh thừa nhận PVC có văn bản đề nghị PVB chỉ định thầu. “Tôi có báo cáo lên tập đoàn về việc không thể làm với mức giá 59 triệu USD mà phải tầm trên 80 triệu, sau đó tôi phải làm kiểm điểm…” – bị cáo nói.

Cũng lời Trịnh Xuân Thanh, nếu không có chỉ đạo của lãnh đạo PVN thì PVC sẽ không làm dự án Ethanol Phú Thọ, vì lý do như đã nêu ở trên. Bị cáo khẳng định liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T hoàn toàn đủ năng lực để thực hiện dự án, vấn đề là thiếu tiền.

Về việc dự án dừng thi công vào năm 2013, Trịnh Xuân Thanh phủ nhận trách nhiệm thuộc về bản thân hoặc các bị cáo khác tại PVC. Bị cáo cho rằng “mọi người ở đây chỉ làm thuê thôi, các đơn vị góp vốn vào PVB là ngân hàng, PVOil… Họ thấy dự án sẽ không hiệu quả nên nhân việc chúng tôi đòi tăng tiền, họ dừng lại luôn”.

Theo cáo trạng, tháng 9-2009, liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T bắt đầu triển khai dự án, đến tháng 3-2013 thì PVC đơn phương dừng thi công nhà máy Ethanol Phú Thọ, dự án chưa có hạng mục nào hoàn thành bàn giao theo cam kết. Lý do PVC đưa ra vì gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm quản lý và kết nối các giao diện về công nghệ…

Đáng chú ý, ngay trong quá trình thực hiện dự án, chính PVC từng có nhiều báo cáo thừa nhận liên danh của mình không đủ năng lực để thực hiện gói thầu TK05.

Theo cơ quan tố tụng, tính đến ngày khởi tố vụ án, PVB đã sử dụng gần 1.500 tỉ đồng để thực hiện dự án, trong đó vay ngân hàng hơn 754 tỉ đồng. PVB đã thanh toán cho PVC và Alfa Laval hơn 846 tỉ đồng.

Kết luận giám định cho thấy thiệt hại là hơn 543 tỉ đồng. Đây là số tiền lãi phát sinh mà PVB đã trả và còn phải trả cho các ngân hàng từ khi dự án dừng thi công đến ngày khởi tố vụ án, do hành vi lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực gây ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm