Dự án nhà ở phải được ngân hàng bảo lãnh

Với quy định mới “dự án bất động sản (BĐS) phải được ngân hàng bảo lãnh”, Luật Kinh doanh BĐS 2014 góp phần bảo vệ quyền lợi người mua nhà, tăng uy tín cho chủ đầu tư.

Ngừa rủi ro cho khách hàng

Điều 56 của luật này yêu cầu: Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư dự án BĐS phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính. Điều này phòng ngừa những rủi ro cho khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho khách theo đúng tiến độ đã cam kết. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai.

Phạm vi, điều kiện, nội dung và phí bảo lãnh do các bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm thực hiện trách nhiệm của bên bảo lãnh và phải được lập thành hợp đồng. Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi bản sao hợp đồng bảo lãnh cho bên mua, bên thuê mua khi ký kết hợp đồng mua, thuê mua. Hợp đồng bảo lãnh có thời hạn cho đến khi nhà ở được bàn giao cho bên mua, bên thuê mua.

Người mua nhà an tâm tìm mua những dự án bất động sản được ngân hàng bảo lãnh. Ảnh: QH

Nâng uy tín doanh nghiệp

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), từ cuối năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã công bố 40 ngân hàng đủ điều kiện để thực hiện hoạt động bảo lãnh BĐS hình thành trong tương lai. Từ thời điểm Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực đến nay, các dự án BĐS trước khi bán ra đều phải được ngân hàng bảo lãnh. Đa số người mua nhà đều nắm rõ quy định này trước khi tìm mua nhà. Như thế người mua nhà sẽ không còn phải “nắm đằng lưỡi” như trước kia.

Các doanh nghiệp BĐS cho biết bảo lãnh ngân hàng là minh chứng chủ đầu tư có năng lực, cam kết bàn giao nhà đúng thời hạn và làm gia tăng niềm tin của người mua nhà. Bởi lẽ trước khi bảo lãnh, ngân hàng sẽ phải xét duyệt về năng lực tài chính của chủ đầu tư, mức độ khả thi của dự án, khả năng tiêu thụ BĐS tại thời điểm cụ thể của thị trường… Chính vì vậy, việc bảo lãnh này giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, thu hút được nhiều người mua.

Phía các ngân hàng thương mại tham gia bảo lãnh cũng được hưởng lợi không chỉ khoản phí bảo lãnh mà có thể tiếp cận trực tiếp với người mua nhà mở rộng hoạt động cho vay. Bằng chứng nhiều ngân hàng thương mại đã và đang tham gia bảo lãnh các dự án BĐS.

Giá bán sẽ hợp lý hơn

Theo các chuyên gia kinh tế, các chủ đầu tư cần chủ động mở tài khoản ở ngân hàng bảo lãnh cho dự án của mình. Nếu dự án này do chính ngân hàng bảo lãnh cấp vốn xây dựng thì mối quan hệ đó càng trở nên chặt chẽ, ngân hàng sẽ dễ dàng kiểm soát được dòng tiền của dự án. Khi ngân hàng yên tâm về dự án thì mức phí bảo lãnh sẽ giảm xuống, giảm chi phí chủ đầu tư, giá bán tới tay người mua hợp lý hơn.

Bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại tiền

Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết và bên mua, bên thuê mua có yêu cầu thì bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước. Đồng thời phía này cũng phải trả các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.

(Trích Điều 56 Luật Kinh doanh BĐS 2014)

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hội

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hộiLongform

(PLO)- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần nâng cao chất lượng công trình nhà ở xã hội tương đương nhà ở thương mại cho người dân yên tâm, tin tưởng vào chính sách nhà ở xã hội của Nhà nước.

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

(PLO)- Giữa bối cảnh giá BĐS liên tiếp lập đỉnh chưa có dấu hiệu chững lại, lãi suất thấp kỷ lục, thị trường xuất hiện xu hướng dịch chuyển dòng tiền ra khỏi nhà băng để tìm đến các dự án trả góp dài hạn. Đây được xem là phương án tối ưu vừa bảo vệ giá trị tài sản trước nguy cơ mất giá – lạm phát, vừa nhanh chóng sở hữu nhà ở trước khi giá tăng quá cao.

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

(PLO)- Giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm nay tăng đến 17% so với cùng kỳ 2023. Thực tế, không ít dự án có mức tăng giá trên dưới 30% chỉ sau 1 năm.