Dự án Tham Lương: 12 năm chưa giải tỏa xong

Cuối tuần qua, khi trở lại khu vực kênh Tham Lương đoạn gần bãi rác Gò Cát, quận Bình Tân, TP.HCM, chúng tôi cảm nhận rõ sự lo lắng, bồn chồn về chuyện giải tỏa nhà, đất của cư dân khu vực (xem thêm bài “Bồi thường theo kiểu… chọc ghẹo dân!” trên Pháp Luật TP.HCMngày 28-2).

Chỉ được hỗ trợ 15-20 triệu đồng

Tại nhà 43/26 đường số 10 khu phố 11, phường Bình Hưng Hòa, bà Đào Thị Kim Tuyến (chủ hộ) kể: “Năm 1999, gia đình tôi chuyển từ căn nhà chật hẹp ở gần chợ Thị Nghè về đây cho rộng rãi. Do không đủ điều kiện, chúng tôi phải mua đất gần bãi rác thường xuyên bốc mùi hôi thối”.

Lúc đó, bà Tuyến mua (giấy tay) lô đất rộng 48 m2 với giá gần 30 triệu đồng, tương đương sáu cây vàng. Sau đó gia đình bà cất căn nhà cấp bốn và tới năm 2003 thì bị UBND xã Bình Hưng Hòa (huyện Bình Chánh, lúc này vẫn chưa tách thành quận Bình Tân - PV) xử phạt do xây nhà không phép và sử dụng đất sai mục đích.

Gần 15 năm qua, căn nhà cấp bốn này là nơi trú ngụ của bảy người gồm ba thế hệ trong gia đình. Nhưng suốt 2/3 quãng thời gian đó, không khí căng thẳng luôn thường trực trong gia đình vì căn nhà nằm trong diện giải tỏa trắng. “Quận nói chúng tôi lấn kênh, rạch nên sẽ không được bồi thường, nếu giao nhà thì chỉ được hỗ trợ chưa tới 20 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ trả tiền thuê nhà vài tháng, rồi sau đó cả gia đình bảy người chúng tôi sẽ ở đâu?” - bà Tuyến nói.

Gần đó, hộ ông Trần Ngọc Minh cũng mua đất, xây nhà vào năm 2001 và ban đầu được thông báo bồi thường gần 184 triệu đồng. Nhưng đến năm 2010, quận cho hay ông chỉ được hỗ trợ 15 triệu đồng với lý do nhà lấn kênh. “Năm 2004, quận thông báo giải tỏa nhưng nhiều người dân trong khu vực không đồng tình vì giá bồi thường thấp quá. Chúng tôi còn chới với hơn khi năm 2006 quận thông báo chúng tôi lấn chiếm kênh, rạch nên sẽ không được bồi thường” - ông Mai Quốc Tuấn, hàng xóm của bà Tuyến, nói thêm.

 
Một đoạn kênh Tham Lương qua quận Bình Tân vẫn như hiện trạng ban đầu, trong khi dự án cải tạo kênh đã được phê duyệt cách nay gần 12 năm. Ảnh: MP

Gần 400 hộ không chịu bàn giao

Theo thống kê, quận Bình Tân phải giải tỏa gần 2.300 hộ phục vụ dự án tiêu thoát nước, cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. UBND TP đã nhiều lần đặt ra thời điểm cuối cùng hoàn thành việc bồi thường, bàn giao mặt bằng để thi công và thậm chí phê bình quận Bình Tân do chậm trễ thực hiện. Nhưng đến nay, tính từ ngày dự án được phê duyệt đã gần 12 năm, ở Bình Tân vẫn còn gần 400 hộ không chịu nhận tiền bồi thường và giao mặt bằng.

Chính vì sự chậm trễ này mà tổng vốn đầu tư của dự án đã hai lần được điều chỉnh, từ 157 tỉ đồng lên thành 1.950 tỉ đồng (tăng hơn 12 lần). “Việc thi công ở nhiều gói thầu của dự án trong những năm qua gặp trở ngại do vướng mặt bằng. Có trường hợp kẹt mặt bằng kéo dài, nhà thầu không cầm cự nổi phải đề nghị thanh lý hợp đồng. Do vậy, quận Bình Tân nhanh chóng bàn giao mặt bằng của các hộ còn lại để sớm hoàn thành giai đoạn 1 của dự án trong năm 2014” - ông Trần Đăng Nghĩa, đại diện chủ đầu tư dự án (Ban Quản lý Dự án xây dựng công trình thuộc Trung tâm Chống ngập TP.HCM), kiến nghị.

Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, nhìn nhận có sự chậm trễ trong việc thu hồi, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thi công dự án. Nguyên nhân là số hộ bị thu hồi đất lớn, thiếu tiền chi trả bồi thường, nơi tái định cư… Chính sách bồi thường của dự án thấp hơn so với các dự án khác cùng thời điểm nên khó vận động người dân bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, có 60 hộ với khoảng 240 người có nhà nằm trên kênh nên không được bồi thường, chỉ hỗ trợ khoảng 15 triệu đồng/hộ. Với số tiền này, họ không đủ khả năng tự tìm nơi ở mới.

“Những người dân bình thường khó khăn về chỗ ở cũng được Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện. Đằng này nhiều hộ dân trong dự án này là nạn nhân của đầu nậu (san nền, lấn kênh rồi bán cho dân) thì cần được tạo điều kiện trong việc hỗ trợ, tái định cư” - ông Chính kiến nghị.

MINH PHONG

 

Nâng mức hỗ trợ, giải quyết tái định cư

Ông Huỳnh Văn Chính kiến nghị nâng mức hỗ trợ 15 triệu đồng cho một hộ có nhà lấn kênh thành 30% đơn giá đất ở để tính bồi thường, đồng thời cho họ mua căn hộ theo giá bán tái định cư, trả góp trong vòng 10 năm. Đối với 28 hộ xây nhà vi phạm chỉ thị của TP.HCM về phân lô bán nền, quận đề nghị hỗ trợ 100% đơn giá bồi thường đất ở và vật kiến trúc, đồng thời giải quyết tái định cư theo chính sách tái định cư của dự án…

Theo ông Võ Trung Trực, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Thẩm định bồi thường TP, do việc bồi thường kéo dài nên nếu điều chỉnh, tăng mức bồi thường, hỗ trợ thì có khả năng các trường hợp tương tự đã nhận bồi thường ở các dự án khác sẽ quay lại khiếu kiện. Tuy nhiên, hội đồng sẽ làm việc cụ thể lại với quận Bình Tân để xem xét, kiến nghị UBND TP chấp thuận chính sách theo hướng có lợi nhất cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm