Sau bài viết “Du lịch “phá hoại” đảo hoang” trên báo Pháp Luật TP.HCMngày 24-5, một số bạn đọc bày tỏ đồng cảm với tác giả bởi cũng từng chứng kiến kiểu du lịch “vừa đi vừa phá” của người Việt.
Bỏ tiền ra nên được phá?
Có dịp đi Hà Giang vào mùa tam giác mạch, tôi mới thấu hiểu bức xúc trong tâm thư đăng trên Facebook của một cô gái nơi này rằng “Các bạn đang làm gì với quê hương tớ vậy?”. Trời ơi, người ta, cụ thể là các nam thanh nữ tú, vô tư ào xuống cánh đồng hoa chụp ảnh. Chụp bất chấp, ngồi, nằm, thậm chí còn rượt nhau chạy băng băng. Những cành hoa tam giác mạch nhỏ xinh bầm dập, ngã gãy dưới bước chân của họ. Hứng chí, các cô còn hái cả bụm hoa tung lên trời để có bức ảnh thật lung linh. Cuối năm 2015, trên mạng đã có một diễn đàn lên án chuyện này. Nhiều bạn trẻ ngang nhiên nói: “Tôi đã đóng 5.000 đồng, 10.000 đồng để được vào chụp ảnh. Hoa hỏng thì dân trồng lại…”. Nhưng một cô gái địa phương đã phản ứng: “Các bạn đến chụp và phá cánh đồng rồi kêu là đằng nào nó cũng sẽ hỏng và cũng sẽ trồng lại được. Làm gì có mảnh đất nào tươi tốt mãi để các bạn phá đi phá lại như vậy?”.
Lần khác, tôi đi Cù Lao Chàm ở Quảng Nam. Khi lặn ngắm san hô, du khách liên tục được hướng dẫn viên nhắc nhở không nhặt bất cứ thứ gì dưới biển. Nhưng khi vào lại bờ về Hội An, một chàng trai trẻ toét miệng cười, móc túi quần khoe “chiến tích” 4-5 con sao biển.
Những vùng đất hoang sơ, đẹp như tranh, sau khi được giới thiệu quảng bá trên báo, trên mạng thì người người nườm nượp tìm đến thưởng thức cảnh đẹp. Nhưng tại sao chính họ lại mặc sức… phá cho nó hết đẹp?
NGUYỄN MINH ANH (Phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TP.HCM)
Cánh đồng hoa tam giác mạch “bầm dập” sau khi khách ào xuống chụp ảnh. Ảnh: plo.vn
Chính quyền phải vào cuộc
Gia đình “chúa đảo” ở Phú Quốc không phải là những người làm du lịch hoặc được đào tạo về cách làm du lịch. Họ chỉ có tấm lòng hiếu khách. Họ không thể biết rằng nếu mình không nghiêm khắc với những hành vi thiếu ý thức thì dần dần nét đẹp của đảo sẽ không còn, rồi cuộc sống bình yên, hiền hòa của họ sẽ đảo lộn.
Những người dân lâu nay chỉ biết làm nông, làm công kiếm sống, một ngày tự dưng nhà mình, nơi mình ở bỗng nhiên nổi tiếng thì làm sao biết được những điều gọi là “quản trị du lịch”, “phát triển bền vững” hay “bảo tồn cảnh quan, bản sắc văn hóa”. Nếu để họ tự bơi, phát triển du lịch tự phát thì xác suất rất cao là chỉ sau một thời gian, cảnh quan thiên nhiên sẽ tan tành do không ai giữ gìn. Vì vậy, người dân cần được trang bị, giúp đỡ về ý thức, cách thức giữ gìn cảnh quan thiên nhiên… những điều khiến nơi này trở thành đặc biệt hơn nơi khác. Họ cần được chỉ dẫn những kiến thức, kinh nghiệm về cách làm du lịch để giữ chân du khách cụ thể, đơn giản và hiệu quả. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở du khách ý thức tôn trọng văn hóa, bảo vệ thiên nhiên; nhưng khi đã nhắc nhở mà du khách vẫn vi phạm thì phải áp dụng các quy định, quy chế để xử lý.
NGUYỄN QUỐC HUY (Phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM)
Xả thải bậy, phá san hô đảo Nam Du
Cách đây ba năm, vợ chồng tôi cùng hai người bạn “đi bụi” đến đảo Nam Du (Kiên Giang). Phải nói rằng Nam Du quá đẹp, biển xanh cát trắng với những mái nhà nhỏ nấp dưới rặng dừa. Người dân thân thiện, hiền hòa, chi phí rẻ nên đây là một thiên đường bình yên trong mắt tôi.
Thế nhưng chỉ sau vài bài báo, vài video clip mạng, lượng khách đổ về Nam Du ngày một đông. Có những du khách rất ý thức, họ cũng cắm trại ngủ lều, đốt lửa trại nhưng luôn giữ vệ sinh chung, không làm phiền hà người khác. Thế nhưng số đó không nhiều bằng những vị khách “trời ơi đất hỡi”. Biển xanh trong là thế nhưng anh thanh niên nọ hút thuốc xong tỉnh bơ ném cả tàn thuốc lẫn bao thuốc lá xuống. Cầu cảng trở thành nơi tập kết đủ loại rác. Không ít khách tự do “xả thải” trực tiếp xuống biển. Có những khu vực, đặc biệt là những ngôi nhà xây sát mé biển làm nhà trọ, homestay, thoạt nhìn thì thấy nước biển vẫn trong nhưng đứng gần mới nghe “dậy mùi”.
Đau xót nhất là sự ra đi dần dần của hệ san hô tuyệt đẹp ở quần đảo Nam Du. Để phục vụ nhu cầu mua làm quà của du khách, người dân địa phương hái san hô về bán, dùng lưới cào bắt ốc sò để cào san hô; khách thì cũng thoải mái bẻ vì không ai ngăn cấm. Tôi tiếc Nam Du không còn vẻ yên bình nữa…
BÙI TẤN BẢO HUY (Phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM)