Đầu tháng 8 này, Berlin đã công bố các biện pháp đầu tư nhiều hơn cho các lực lượng cảnh sát và an ninh. Đức cũng thành lập một đơn vị đặc biệt để chống khủng bố và tội phạm mạng.
Chính phủ Đức cũng lên kế hoạch đề nghị dân chúng dự trữ thực phẩm và nước uống đề phòng tấn công hoặc thảm họa. Đây là lần đầu tiên Đức ra chính sách này kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, theo tường thuật của báo Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung hôm chủ nhật 21-8.
Theo đó, mỗi công dân nước này bắt buộc phải giữ nguồn cung thực phẩm đủ cho 10 ngày và nước uống để tồn tại trong 5 ngày, báo trên dẫn lại “Các khái niệm về phòng thủ dân sự” được bộ nội vụ chuẩn bị.
Đức cũng lên kế hoạch đề nghị dân chúng dự trữ thực phẩm và nước uống đề phòng tấn công hoặc thảm họa
Chiến lược quốc phòng dân sự đã từng được thảo luận tại một ủy ban nghị viện hồi năm 2012. Một người phát ngôn bộ nội vụ cho biết kế hoạch mới sẽ được nội các thảo luận vào thứ tư này và được thủ tướng trình bày buổi chiều cùng ngày.
Bản chiến lược dày 69 trang cho rằng một cuộc tấn công vào lãnh thổ Đức đòi hỏi cả nước Đức cùng tự vệ theo kiểu truyền thống là điều khó xảy ra. Tuy nhiên, mọi người dân cần sự chuẩn bị thích hợp cho những diễn tiến đe dọa sự tồn vong của đất nước, bản báo cáo cho biết.
Việc hỗ trợ các lực lượng vũ trang dân sự cũng cần được ưu tiên nhiều hơn. Cần có một hệ thống cảnh báo an ninh, củng cố việc bảo vệ kết cấu các tòa nhà và nâng cao năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Mọi người dân Đức cần sự chuẩn bị thích hợp cho những diễn tiến đe dọa sự tồn vong của đất nước, bản báo cáo cho biết.
Bị ám ảnh bởi quá khứ Đức quốc xã, quốc gia đông dân nhất châu Âu này đặc biệt thận trọng về các vấn đề quốc phòng trong nhiều thập niên qua. Năm nay, Đức đã thiết lập một bản đồ quân sự mới tóm lược tham vọng đóng vai trò quốc phòng lớn hơn ở nước ngoài trong khuôn khổ NATO và liên minh châu Âu.
Đức đang trong “sự tấn công của chủ nghĩa khủng bố” và bị thúc đẩy đưa ra các kế hoạch tập huấn quân đội và cảnh sát cùng phối hợp chặt chẽ hơn nhằm chuẩn bị cho các cuộc tấn công quân sự quy mô lớn có thể xảy ra, theo lời bộ trưởng quốc phòng Von der Leyen hồi đầu tháng.
Cuối tuần trước, bộ trưởng nội vụ Thomas de Maiziere cũng công bố các biện pháp chống khủng bố cứng rắng hơn, trong đó có đề xuất gây tranh cãi là tước bỏ quốc tịch Đức của các chiến binh thánh chiến.