Đưa hình ảnh Nghê đi vào đời sống đương đại bằng ứng dụng công nghệ vật lý số

(PLO)- Nghê nơi cửa Khổng sân Trình là cuốn sách vật lý số đầu tiên tại Việt Nam. Dự án kỳ vọng ứng dụng công nghệ vật lý số để đưa hình ảnh Nghê đi vào đời sống đương đại. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-1, cuốn sách vật lý số đầu tiên tại Việt Nam mang tên Nghê nơi cửa Khổng sân Trình chính thức ra mắt công chúng tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Đây là thành quả của chiến dịch Tầm Chân trong khuôn khổ dự án Ứng dụng công nghệ Vật lý Số nâng tầm giá trị di sản do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam chủ trì.

Đại diện Ban tổ chức giải thích, Tầm Chân được tạo thành từ hai từ Hán Việt: Tầm - tìm kiếm và Chân - cái thực. Theo đó, mạng lưới các học giả của dự án sẽ tìm kiếm các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một. Tiếp đó, đội ngũ chuyên gia văn hóa do Trung tâm Thông tin UNESCO (UNET) tập hợp, thực hiện các nghiên cứu hiện vật hay những giá trị văn hóa.

công nghệ
Công nghệ được áp dụng để nâng tầm giá trị di sản. Ảnh: TC.

Từ đây các giá trị này được lưu giữ và phát huy nhờ ứng dụng công nghệ định danh số Nomion do Phygital Labs cung cấp. Các nghiên cứu kết hợp giữa công nghệ và văn hóa truyền thống này sẽ được phát triển thành các sản phẩm Vật lý Số, được Định danh Số trên nền tảng blockchain và truyền tải thông tin qua chip NFC.

Dự án Nghê Văn Miếu đánh dấu sự hợp tác sáng tạo giữa UNET, Phygital Labs cùng với Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám và Tiến sỹ mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, người có công trình nghiên cứu sâu sắc về Nghê Việt nhằm đưa hình ảnh Nghê - một linh thú thuần Việt đang canh giữ không gian thiêng liêng của Văn Miếu-Quốc Tử Giám tại Hà Nội… đến gần hơn với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Tiến sỹ Trần Hậu Yên Thế cho biết Nghê là con vật linh thiêng huyền bí, được hình thành nhờ sự kết hợp giữa văn hóa bản địa Việt Nam và văn hóa du nhập. Nghê trở thành địa danh có tên ở Sơn Trà Đà Nẵng.

Mũi Nghê, nơi có thể ngắm bình minh từ rất sớm, nằm ở phía Đông Nam bán đảo Sơn Trà. Điều này khiến Mũi Nghê trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của bán đảo Sơn Trà.

Theo ông Đinh Đức Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO, nếu Nghê chỉ hiện diện trong những trang sách, nó có thể sẽ chung số phận với nhiều thứ mà giờ chỉ còn trong sách, nếu Nghê chỉ tồn tại dưới dạng một bức tượng, nó có thể trở thành một món đồ trưng bày mang ý nghĩa trang trí mà người ta không biết phải trân trọng nó vì lý do gì. Công nghệ đã cho chúng ta câu trả lời.

Tại sự kiện, ông Huy Nguyễn, CEO của Phygital Labs khẳng định rằng công nghệ Định danh Số thích hợp cho việc chứng thực độc bản và lan tỏa thông tin kiến thức, là một điểm chạm rất tự nhiên với các di tích di sản văn hóa.

dua-hinh-anh-nghe-di-vao-doi-song-duong-dai-bang-ung-dung-cong-nghe-vat-ly-so.jpg
Ông Đinh Đức Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO. Ảnh: VIẾT THỊNH

Sự kết hợp này không chỉ là chìa khóa kết nối các giá trị di sản, văn hóa Việt Nam mà còn phát huy được hết các tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển của một nền công nghiệp văn hóa Việt.

“Tôi rất tự hào vì có cơ hội được cộng tác cùng UNESCO và Văn Miếu để tạo ra sách vật lý số đầu tiên tại Việt Nam. Tôi kỳ vọng giải pháp công nghệ của chúng tôi được ứng dụng rộng rãi để không chỉ Nghê Văn Miếu mà nhiều di sản văn hóa Việt giàu giá trị khác đều có những phiên bản số xứng tầm, đóng góp tích cực vào nền Kinh tế Số,” ông Huy Nguyễn chia sẻ.

Ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng bày tỏ, trong bối cảnh Chuyển đổi Số hiện nay, văn hóa càng cần được chú trọng phát triển nhiều hơn để không bị đi sau nhiều lĩnh vực hiện đại khác.

“Chúng ta cũng cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nên tôi tin rằng việc ứng dụng công nghệ mới là bước chuyển để nâng tầm giá trị nền văn hóa nước nhà”- ông Sơn nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm