Di tích đầu tiên thay sư tử ‘lạ’ bằng nghê Việt

Chiều 6-2, được sự đồng ý của Sở VHTT&DL đình làng Trạch Xá đã tiến hành di dời đôi sư tử do người dân cung tiến năm 2010,  thay vào đó là cặp nghê Việt.

Đây là việc làm thiết thực, góp phần hưởng ứng công văn 2662 của Bộ VHTT&DL về việc khuyến cáo loại bỏ biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời là bước đầu của việc triển khai dự án Bảo tồn nghề may đo thủ công tại làng nghề Trạch Xá.

Di dời sư tử, rước nghê Việt, Trạch Xá

Người dân khi được sự giải thích của lãnh đạo Sở đã rất phấn khởi di dời đôi sư tử đá nằm án ngữ hơn 4 năm tại đình làng Trạch Xá.

Cụ Lê Quý Đôn, Trưởng ban tổ chức phục dựng nhà thờ Tổ nghề may làng Trạch Xá cho biết: “Khi tiếp nhận hiện vật này, chúng tôi nghĩ đơn giản mang về để trang trí cho cửa đình được khang trang, đẹp đẽ. Nhưng khi nhận được công văn của xã cuối năm ngoái cho biết sư tử này có gốc gác Trung Quốc, yêu cầu di dời, chúng tôi rất lo lắng. Tuổi già, sức yếu, cũng không biết khiêng đôi sư tử này đi đâu. Tuy nhiên, công ty may mặc Cao Minh lại ngỏ ý xin giúp, như thế chúng tôi rất mừng vì đã thực hiện xong chủ trương của Bộ”.

Di dời sư tử, rước nghê Việt, Trạch Xá

Đôi nghê Việt đầu tiên được đưa vào di tích.

Được biết, đôi nghê Việt bằng đá nhân tạo được chế tác bởi các nghệ nhân của xưởng điêu khắc Liên Vũ lấy nguyên mẫu từ tượng nghê ở đền Vua Lê Thánh Tông (Thọ Xuân, Thanh Hóa), thế kỷ 17, vốn được tạo tác bằng gỗ, phủ sơn, cao 118cm, mang dáng hình con chó, còn gọi là “khuyển nghê”. Việc phục dựng mẫu nghê này khẳng định nỗ lực tìm lại chỗ đứng cho linh vật thuần Việt trong đời sống văn hóa, tâm linh dân tộc của nhiều nhà điêu khắc, các nhà nghiên cứu, góp phần đưa công chúng đến gần hơn với hình tượng linh vật thuần Việt.

Theo nhà điêu khắc Liên Vũ, trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục phục dựng lại 5 mẫu nghê Việt bằng đục đá và đúc đồng với 3 loại kích thước to, nhỏ khác nhau. Sau đó, có thể anh sẽ cung cấp các mẫu nghê này cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ trên cả nước để thực hiện chế tác đại trà, nhân rộng nghê Việt.

Trước đó, việc xuất hiện sư tử đá tại các di tích đã được dư luận lên tiếng phản ánh nhiều. Những hiện vật ngoại lai này xuất hiện tại di tích được xem là không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Vừa qua Hà Nội đã đưa ra chủ trương rà soát, di dời các hiện vật không phù hợp khỏi các di tích trên địa bàn trước ngày 31/12/2014. Nhưng khi thực thi lại gặp một số bất cập bởi di dời đi là một chuyện nhưng đem nó về đâu lại là câu chuyện khác. Bởi vốn dĩ theo tâm linh, những con vật đã đưa vào nơi thờ cúng sẽ cũng có ‘tính thiêng’ nên không thể vứt ‘vạ vật’ được.

Theo T.Lê (Vietnamnet)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm