Đua nhau lên hạng đô thị

“Đằng sau việc nâng hạng hàng loạt đô thị là lợi ích của địa phương. Đằng sau việc “đẻ nhiều, đẻ mau” khu đô thị mới là lợi ích của chủ đầu tư…” - những chuyện “hậu trường” của đô thị Việt Nam đã được ông Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch danh dự Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, chia sẻ nhân ngày Đô thị Việt Nam 8-11.

Nâng hạng, nâng quyền lợi

. Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, tới đây 123 đô thị trên cả nước sẽ được nâng hạng. Ông đánh giá thế nào về điều này?

+ Có một thực tế là nhiều địa phương thích được nâng cấp đô thị, hay nói đúng hơn là đang “đua nhau” lên hạng đô thị. Lý do rất đơn giản, việc nâng cấp luôn gắn liền với quyền lợi của địa phương. Vì thế, dù dân số ở đó chưa đủ người ta cũng cố mở rộng ra, ghép cả một phần nông thôn vào để đủ điều kiện nâng cấp lên đô thị loại cao hơn.

Tại Việt Nam, việc nâng cấp đô thị được thực hiện khá nhiều và nhanh. Đã có hàng loạt thị xã được nâng cấp lên thành phố. Dường như tỉnh nào cũng muốn có một thành phố, cho dù đó chỉ là một tỉnh nhỏ. Theo tôi, việc ồ ạt nâng cấp đô thị là không tốt, cần phải rất thận trọng.

Đua nhau lên hạng đô thị ảnh 1

Thành phố Hạ Long sẽ được nâng hạng từ đô thị loại II lên đô thị loại I. Ảnh: HTD

. Ông có thể nói thêm về cái gọi là “quyền lợi của địa phương”?

+ Khái niệm này rất đơn giản. Cụ thể, khi được nâng hạng, các chỉ tiêu về quy mô đô thị, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… của đô thị chắc chắn sẽ ở mức cao hơn so với khi còn ở hạng dưới. Cùng đó, ảnh hưởng về chính trị và xã hội của đô thị cũng lớn hơn.

Một vấn đề nữa là khi đô thị được nâng lên loại cao hơn thì trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng nhiều hơn. Vì vậy, chế độ đãi ngộ cho họ có tốt hơn cũng là điều tất yếu. Cán bộ cũng có tiêu cực nhưng ít thôi.

Đô thị phải ra đô thị

. Vậy theo ông, cần phải làm gì để có một đô thị đúng nghĩa?

+ Việt Nam chưa có nhiều đô thị hoàn chỉnh đúng nghĩa. Hiện hầu hết các thị trấn chưa đạt được tiêu chí đô thị loại V, loại thấp nhất. Nhiều nơi hạ tầng rất kém, chỉ dừng lại ở chỗ có con đường chạy qua và có trụ sở dọc hai bên đường. Nên nhớ rằng đô thị hoàn chỉnh thì phải có đầy đủ cơ sở hạ tầng. Đô thị phải ra đô thị, chứ không chỉ là điểm dân cư buôn bán nhỏ.

Trong một đô thị, cơ sở hạ tầng đóng vai trò hết sức quan trọng. Phát triển đô thị phải đầu tư hạ tầng rất lớn, không phải cứ vẽ ra quy hoạch là thực hiện được ngay. Chẳng hạn, nói Hà Nội là đô thị xanh nhưng hiện mới chỉ xanh trên bản vẽ chứ không phải trên thực tế. Quy hoạch đô thị không thể xa rời thực tế, xa rời túi tiền của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Cũng lưu ý thêm, đang có tình trạng một số đô thị đã có quy hoạch phát triển nhưng việc thực thi lại còn nhiều hạn chế, nguyên nhân do quản lý yếu kém.

. Chúng ta cần học tập gì trong việc phát triển đô thị của các nước?

+ Nước ngoài họ làm rất nghiêm chứ không như ở ta. Các đô thị ở Pháp đều được đầu tư hạ tầng như đường sá, trường học và các công trình công cộng xong rồi mới đến các dự án nhà ở. Nếu một dự án phải thực hiện trong năm năm nhưng qua ba năm mà anh vẫn chưa xây thì sẽ bị thu hồi ngay. Đây là điều chúng ta phải học hỏi rất nhiều.

Việc phát triển đô thị ở Việt Nam còn rất nhiều điều phải bàn. “Đô thị của Việt Nam bí hiểm và khó hiểu, không chắc chắn và hay thay đổi, vừa ngẫu hứng vừa hình thức, đầy mâu thuẫn” - một chuyên gia nước ngoài đã nhận xét như vậy. Theo tôi, đó là một nhận xét khách quan.

. Xin cảm ơn ông.

Chính quyền “đuối” trong quản lý đô thị

“Tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt quá khả năng điều hành của chính quyền địa phương. Năng lực quản lý đô thị chưa theo kịp nhu cầu, đòi hỏi của thực tế” - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Phan Thị Mỹ Linh nêu thực tế tại Hội nghị Đô thị Việt Nam thân thiện môi trường, phát triển bền vững do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 7-11.

Theo bà Linh, đang có sự phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị và chất lượng đô thị. Quy hoạch, đánh giá phân loại, nâng cấp đô thị chưa coi trọng đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị. Nhu cầu đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn nhưng việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế. Cùng đó, hiện tượng ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn là mối lo ngại tại các đô thị lớn. Tỉ lệ đất giao thông và tỉ lệ dân đô thị được cấp nước còn thấp; tình trạng ngập úng cục bộ trong mùa mưa, ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục…

__________________________________________________

123 đô thị sẽ được nâng hạng. Trong đó có năm đô thị loại II sẽ được nâng lên loại I, gồm các TP Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), Hạ Long (Quảng Ninh), Thanh Hóa (Thanh Hóa), Việt Trì (Phú Thọ), Nam Định (Nam Định). Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 15 đô thị loại I.

Có 15 đô thị loại III sẽ được nâng lên đô thị loại II, gồm: Rạch Giá (Kiên Giang), Vị Thanh (Hậu Giang), Sóc Trăng (Sóc Trăng), Thủ Dầu Một (Bình Dương), Tuy Hòa (Phú Yên), Quảng Ngãi (Quảng Ngãi), Đồng Hới (Quảng Bình), Lạng Sơn (Lạng Sơn), Lào Cai (Lào Cai), Điện Biên Phủ (Điện Biên), Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Móng Cái, Cẩm Phả (Quảng Ninh), Thái Bình (Thái Bình), Ninh Bình (Ninh Bình). Nhiều đô thị loại IV, V cũng sẽ được nâng hạng.

(Nguồn: Dự thảo chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2011-2020 do Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng)

Quản lý khu đô thị mới còn lỏng lẻo

Hiện nay, ở những khu đô thị mới việc xây trường rất chậm, thậm chí nhiều nơi không xây. Theo quy định, cứ 5.000 dân phải có một trường tiểu học và cần phải có trường trước khi người dân đến ở. Thực tế khi có được đất dự án, người ta lập tức xây nhà bán trước nhằm thu được tiền ngay.

Ví dụ trên cho thấy chủ đầu tư hiện có quyền quá cao trong việc xây khu đô thị mới. Trong khi đó, chúng ta quản việc xây dựng trong khu đô thị rất lỏng lẻo. Quy hoạch lúc đầu là thế này, sau đó chủ đầu tư lại làm một nẻo nhưng cơ quan chức năng không kiểm soát được.

ÔngNGUYỄN THẾ BÁ,Chủ tịch danh dự Hội Quy hoạch
phát triển đô thị Việt Nam

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm