Như PLO từng thông tin, tháng 6-2013, ông Phạm Quốc Đính (phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa) được giao phụ trách Xí nghiệp lâm nghiệp Nghĩa Tín. Cuối năm 2013, một số diện tích đất rừng trên lâm phần Xí nghiệp Nghĩa Tín bị nhiều người dân lấn chiếm và chặt phá trái phép. Vì vậy, ông Đính đã chỉ đạo xí nghiệp tổ chức họp thống nhất xin chủ trương của Công ty Gia Nghĩa để tiến hành giao khoán đất trồng rừng theo Nghị định 135/2005 và đã được đồng ý.
Trong số các hộ dân nhận khoán đất để trồng rừng thì có hai hộ ông Võ Thành Sơn và ông Đàm Văn Sâm.
Cáo trạng quy kết ông Đính đã giao khoán cho ông Võ Thành Sơn 3,3 ha đất, ông Đàm Văn Sâm 4,2 ha đất. Hồ sơ thể hiện 7,5 ha đất khi giao khoán cho hai hộ dân là đất trống, mục đích giao khoán để trồng rừng. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm kê rừng năm 2014 đã được UBND tỉnh phê duyệt và công bố tại Quyết định 67/QĐ-UBND năm 2015 thì có tới 5,9 ha đất còn rừng tự nhiên.
Bị cáo Phạm Quốc Đính (bìa phải). Ảnh: KT
Tháng 11-2017, TAND tỉnh Đắk Nông xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Đính ba năm tù về tội vi phạm các quy định về quản lý rừng.
Ông Đính kháng cáo kêu oan. Luật sư bào chữa cho bị cáo Đính đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đắk Nông bởi chứng cứ buộc tội mơ hồ, không rõ ràng và suy đoán theo hướng bất lợi cho bị cáo. Cụ thể, các cơ quan tố tụng chưa làm rõ mấu chốt của vụ án này là trước khi giao đất cho các hộ dân (Đàm Văn Sâm và Võ Thành Sơn) thì trên đất còn rừng hay không.
Phía đại diện VKSND cũng đề nghị tòa phúc thẩm hủy án để điều tra lại vì có những vi phạm tố tụng mà cấp sơ thẩm chưa làm rõ.
Theo toà phúc thẩm, trong hồ sơ có những lời khai có sự mâu thuẫn nhau. TAND tỉnh Đắk Nông khi đánh giá thiệt hại chỉ dựa vào Quyết định 67/QĐ-UBND ngày 14-1-2014 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc phê duyệt, công bố kết quả kiểm kê rừng tỉnh Đắk Nông là để xác định rừng bị mất là chưa chính xác.
Do đó để đảm bảo việc xét xử khách quan, TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận một phần luận cứ của VKS, Luật sư, bị cáo để huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm giao về cho cấp sơ thẩm điều tra lại.
(PL)- Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKSND đề nghị tòa hủy án để điều tra lại vì có những vi phạm tố tụng mà cấp sơ thẩm chưa làm rõ.