Đừng chờ quá tải mới ngừng cách ly tập trung F1

Liên quan đến việc vẫn tiếp tục cách ly F1 tại khu tập trung, chỉ thí điểm ở vài quận, một đại diện CDC Hà Nội cho rằng: Hiện số cơ sở cách ly tập trung của Hà Nội vẫn có thể đảm đương được 60.000-70.000 trường hợp F1. Vì vậy, khi nào số lượng F1 tăng vượt quá khả năng thì mới tính phương án cách ly F1 và điều trị F0 không triệu chứng tại nhà.

Có vẻ đây cũng là quan điểm của nhiều địa phương khác mà không xem xét các yếu tố tỉ lệ tiêm vaccine, hệ thống y tế, thuốc điều trị…

Lãng phí bài học từ TP.HCM và các tỉnh

Trước hết, cần nhấn mạnh là việc thực hiện Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 sẽ dựa vào bốn trụ cột: (i) Tiêm chủng vaccine; (ii) hệ thống y tế điều trị F0; (iii) thuốc chữa COVID-19; và (iv) công nghệ để thúc đẩy chính sách được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Cần nhấn mạnh rằng Nghị quyết 128 là kết quả của một quá trình từ thay đổi tư duy đến chiến lược hành động.

Nhân viên y tế tư vấn chăm sóc sức khỏe cho F0 ở TP.HCM đang cách ly điều trị tại nhà Ảnh: NGUYỆT NHI

Nghị quyết 128 ra đời sau khi TP.HCM trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn với tỉ lệ nhiễm, tử vong cao chưa từng có và lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đã rút ra nhiều bài học, quan sát, đánh giá, nghe WHO khuyến nghị và sự góp ý của chuyên gia, nhà khoa học… Trước khi có Nghị quyết 128, TP.HCM đã rất thận trọng thí điểm các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 ở cấp độ từ phường, xã đến quận, huyện và mở rộng dần trên toàn địa bàn TP.

Như vậy có thể thấy các giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 128 đã được thí điểm từ trước, chí ít là ở TP.HCM và đến nay thì Đồng Nai, Bình Dương… cũng đã áp dụng, cho những kết quả ban đầu lạc quan, dù ca nhiễm vẫn còn cao nhưng số ca trở nặng, tử vong đã giảm nhanh chóng. Các hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng, dịch vụ đã dần được hồi sinh. Điều đó một mặt thúc đẩy kinh tế phục hồi, mặt khác giảm tải cho hệ thống an sinh khi người dân có thể đi làm, có thu nhập và giải tỏa các áp lực tinh thần sau thời gian dài giãn cách.

Trong khi đó, theo thống kê của Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, đến nay tỉ lệ tiêm vaccine đối với người từ 18 tuổi trở lên ở TP Hà Nội đã đạt ở mức cao, với hầu hết đã tiêm mũi 1 và trên 80% đã tiêm mũi 2. Phần lớn địa bàn TP Hà Nội dịch đang ở cấp độ 2 (màu vàng). Hà Nội cũng đã chủ động xây dựng hệ thống y tế cơ sở, trạm y tế lưu động cũng như giường bệnh ICU. Tình hình này không khác biệt so với TP.HCM và nhiều nơi khác. Vì vậy, việc Hà Nội thí điểm cách ly F1 tại nhà, vốn là việc TP.HCM đã làm từ tháng 6-2021 và nhiều địa phương khác cũng thực hiện sau đó, là hoàn toàn không cần thiết.

Tính nhất quán ở đâu?

Theo đại diện CDC Hà Nội (và có thể của nhiều địa phương khác), chỉ khi nào hết chỗ cách ly thì mới tính phương án cách ly F1 tại nhà.

Việc này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy: Cách ly tập trung một cách không cần thiết sẽ tạo gánh nặng lên ngân sách, nhân lực trong khi nguồn lực đó có thể dùng vào nhiều việc khác như: Hỗ trợ người dân túi an sinh, túi thuốc điều trị; đầu tư vào mô hình y tế cơ sở chăm sóc F0 cộng đồng; phát triển hạ tầng công nghệ để chống dịch.

Bên cạnh đó, nguy cơ lây chéo trong khu cách ly tập trung luôn được giới chức y tế cảnh báo. Ở các khu dã chiến, việc tiếp xúc đông người trong không gian hẹp, sinh hoạt chung khiến rủi ro lây nhiễm chéo tăng cao. Bài học này từng diễn ra ở TP.HCM trước đây.

Quan trọng hơn, các khu cách ly tập trung sẽ bào mòn sức khỏe của lực lượng tuyến đầu, nhất là các y bác sĩ, điều dưỡng, dân quân… Nhiều nhân viên y tế từng phục vụ tại các khu cách ly tập trung ở TP.HCM trước đây chia sẻ: Người đến cách ly khi dịch bùng phát ngày càng đông, từ trẻ em đến người già, từ khỏe mạnh đến bệnh nền, cả phụ nữ có thai… Vì cách ly nên mọi việc từ chuẩn bị thức ăn, nước uống cũng như nhiều nhu cầu khác đều dồn lên lực lượng tuyến đầu. Trong khi công việc chuyên môn chăm sóc, điều trị, cấp cứu không nhiều (vì khu F1 chủ yếu là khỏe mạnh) thì họ phải vắt sức phục vụ chuyện ăn ở. Lẽ ra, các y bác sĩ cần được bổ sung cho các trạm y tế, trung tâm y tế các phường/xã, quận/huyện; các tổ y tế cộng đồng để “đánh chặn” - giúp F0 không trở nặng.

Trong bối cảnh định nghĩa về F1 còn quá mơ hồ, Nghị quyết 128 không xem F1 là tiêu chí đánh giá, thì cách ly F1 sẽ gây ức chế cho người dân. Trong bối cảnh F0 rất nhiều thì F1 sẽ càng gấp nhiều lần. Cách ly F1 sẽ khiến đứt gãy nguồn lao động, ảnh hưởng hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng, phục hồi dịch vụ…

Quan trọng hơn hết, khi F1 ở TP.HCM và nhiều tỉnh có thể làm việc, đi lại theo Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế, thì F1 ở Hà Nội và một số tỉnh, thành có cùng điều kiện với TP.HCM lại phải cách ly tập trung. Sự không thống nhất này đặt ra một câu hỏi lớn đối với Chính phủ trong việc nhất quán thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 từ trung ương đến địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm